Dân Việt

Chàng Việt kiều rao tin nhắn tuyển chồng cho bà trên Facebook

Bình Minh 26/02/2016 10:57 GMT+7
John Hùng muốn tìm một ông tốt bụng, đã ly hôn hoặc góa vợ, có nhà cửa nhưng không cần giàu, làm bạn đời với bà ngoại anh.

Thông tin "tuyển chồng cho bà" của Trần Hùng John hay John Hùng đăng trên trang cá nhân nhanh chóng nhận được sự quan tâm của bạn bè cùng người hâm mộ. Để tránh bị hiểu nhầm, chàng trai người Mỹ gốc Việt nổi tiếng với hành trình đi bộ xuyên Việt cùng chiếc ví rỗng mở ngoặc ngay dưới tiêu đề dòng chữ: "Nghiêm túc! Mọi người chia sẻ giúp Hùng và nếu ai có chú, bác, ông nào tốt thì giới thiệu cho Hùng nhé" nhằm chứng minh mục đích đăng tin là thật, không bông đùa.

Theo tác giả cuốn sách "John đi tìm Hùng", bà ngoại anh tên là Nguyễn Thị Thanh, 67 tuổi, hiện sống ở thành phố Sacramento, bang California, Mỹ. Năm 1975, ông bà ngoại Hùng và bốn người con, trong đó có mẹ Hùng, rời Việt Nam sang Mỹ. Trước khi đi, họ là ngư dân ở Hải Phòng. Sang Mỹ, ông ngoại Hùng tiếp tục công việc bám biển, còn bà ở nhà nội trợ và chăm sóc 10 đứa con.

Sau đó, ông ngoại Hùng không trở về sau một lần ra khơi. Nhiều bạn chài kể ông bị rơi xuống biển chết nhưng bà Thanh vẫn tin một ngày đẹp trời chồng sẽ về. Từ đó, bà một mình tần tảo nuôi đàn con khôn lớn và chờ chồng. Các con của bà giờ đã có cuộc sống ổn định ở Mỹ. Bà có 31 cháu và hiện sống cùng một người con trai.

"Tôi nghĩ sau 20 năm, bà cũng đã nguôi hy vọng về ông. Cả đời vất vả vì con, cháu, bà tôi xứng đáng có được tình yêu và hạnh phúc. Bà rất mạnh mẽ và tự lập, và là một trong những phụ nữ tuyệt vời nhất mà tôi biết", Hùng chia sẻ lý do muốn tìm một nửa giúp bà.

Bà Thanh dù sống ở Mỹ đã lâu nhưng hiểu và nói được ít tiếng Anh. Trong số những người cháu của bà, Hùng là người duy nhất nói được tiếng Việt. Vì thế, anh trở thành người bạn lắng nghe và chia sẻ với bà. Anh hướng dẫn bà dùng skype và thường xuyên mỗi tuần một lần, hai bà cháu lại tâm sự từ một đến hai tiếng qua mạng.

img

Bà ngoại là lý do lớn nhất để Hùng quyết định về Việt Nam định cư.

Hùng cho hay bà chỉ học hết lớp ba, là người sống đơn giản nhưng mạnh mẽ, vui vẻ và đặc biệt "thanh niên tính". Bà thích đi bộ ngoài trời, nói chuyện tâm sự, trồng cây, rau, hoa quả, xem phim Việt Nam và nghe nhạc.

10 tuổi, Hùng về sống cùng bà một thời gian dài sau khi bố mẹ ly dị. Ngày ấy, cuộc sống khó khăn, bà lại ở khu có đông người da đen sinh sống, nơi thường xảy ra các vụ cướp, giết. "Nếu không có bà chăm sóc và dạy dỗ, chắc có lẽ tôi đã là một người nổi loạn. Nhờ bà, tôi tập trung học hành rồi tốt nghiệp đại học, thay vì sa đà vào những việc tiêu cực. Bà luôn động viên cháu trai là người thông minh, giỏi giang, giúp tôi mạnh mẽ và tự tin hơn", Hùng nói.

Ở với bà, Hùng không chỉ được dạy cách sống mà còn ảnh hưởng nhiều về tính cách. Bà cũng chính là lý do lớn nhất để anh quyết định về Việt Nam định cư. Qua những câu chuyện bà kể về Việt Nam, anh hình dung được cuộc sống, con người nơi đây. Vì thế, anh không lo lắng hay bận tâm điều gì khi thực hiện chuyến xuyên Việt không mang theo tiền năm 2012.

img

Bà Thanh (ngoài cùng bên trái) cùng các con cháu chụp ảnh lưu niệm tại Hà Nội trong lần trở về thăm Việt Nam năm ngoái.

Chàng Việt kiều kể bà nấu ăn rất ngon, nhất là đồ ăn Việt. Nhờ vậy, Hùng ăn được tất cả các món Việt, trong đó có mắm tôm và tiết canh. Nhiều khi, hai bà cháu chỉ có mắm tôm ăn cùng cơm hoặc bún. Mâm cơm đơn giản gồm một đĩa rau và một bát canh hay cá khô chiên. "Chỉ cần vậy thôi, hai bà cháu ăn ngon lành", Hùng vui vẻ nhớ lại.

Có lần, thấy bà mang một con vịt về, Hùng nghĩ sắp được nuôi vịt. Khi bà nhờ cầm cổ để cắt tiết làm tiết canh, Hùng "phát khóc" nhưng sau thử thấy ngon và từ đó mê luôn. Đam mê nấu nướng như bà, giờ Hùng có thể tự làm được món thịt kho, canh chua, bún riêu...

Năm ngoái bà ngoại Hùng về thăm Việt Nam sau 40 năm đi xa. Bà rất yêu Việt Nam và Hùng tin nếu có thể tìm một người bạn tốt, bà sẽ chuyển về nơi thuộc về mình. Có lần bà tâm sự với cháu trai: "Sống ở Mỹ nhiều khi chán. Các cậu và dì đã lớn hết rồi, có gia đình riêng nhưng bà chẳng có ai. Nhiều lúc bà cũng thấy buồn và cô đơn".

Nghe bà nói vậy, Hùng rất muốn đưa bà về nước. Ở đây bà có những người bạn cùng màu da, tiếng nói. Hàng ngày, bà sẽ thảnh thơi đi bộ ra chợ hoặc siêu thị mà không cần phiền người khác lái xe chở đi như ở Mỹ. Lần ấy, Hùng cũng đề xuất tìm giúp bà một ông nhưng bà có vẻ ngượng và bảo "ôi thằng khỉ này". Sau đó, con, cháu, ai nấy cũng động viên bà nên tìm một người để chia sẻ buồn vui suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời. Cuối cùng bà cũng đồng ý và nhắn Hùng "tìm cho bà đi".

"Tôi thấy mắt bà ánh lên niềm hạnh phúc nên chắc bà nói thật", Hùng tâm sự.

Từ hôm đăng tin "tuyển chồng cho bà" tới giờ, Hùng nhận được khá nhiều lời giới thiệu, phần lớn là các con, cháu muốn ông mình bớt cô đơn lúc tuổi già. Theo Hùng, "ứng viên" đã ly hôn, goá vợ, hoặc độc thân đều được, miễn là hiện giờ không phải người có vợ. Nhà cửa đàng hoàng, không cần giàu có vì bà ngoại Hùng có thể tự lo cho bản thân. Tuy nhiên, "nếu là đại gia cũng tốt".

img

Bà Thanh hiện có 31 cháu. Đại gia đình thường đoàn tụ về nhà bà vào những dịp đặc biệt như lễ, Tết. Vào dịp này, bà thường trổ tài nấu các món ăn Việt cho 40-50 người ăn.

Chàng Việt kiều cho hay anh cũng chưa hình dung được người bạn đời của bà sẽ thế nào nhưng chắc chắn ông ấy phải tốt bụng, thích khám phá cuộc sống, phải bằng hoặc ít hơn tuổi bà và phong độ càng hay. Hùng tính sẽ để hai người trò chuyện với nhau qua skype rồi mới gặp mặt, nhưng trước đó, đích thân anh sẽ "phỏng vấn" ứng viên.

Hùng hy vọng sớm tìm được người như mong muốn bởi dù mạnh mẽ tới đâu nhưng sức khỏe của bà sẽ ngày một yếu đi. Anh đặt ra mục tiêu phải tìm được trước năm bà ngoại 69 tuổi. Từ giờ tới lúc ấy, anh chỉ còn khoảng 1,5 năm.

Hùng tiết lộ anh đang viết một cuốn sách về bà. Cuộc đời bà đã trải qua nhiều thử thách, khó khăn và những chuỗi ngày không được hưởng hạnh phúc. Cuốn sách sẽ giúp những người em họ của Hùng hiểu hơn về nguồn cội và biết trân trọng sự hy sinh của ông bà để họ có cuộc sống như hôm nay. Anh thấy tiếc cho những người em không biết tiếng Việt nên không có cơ hội hiểu rõ câu chuyện của bà.