Dân Việt

Vẫn nơm nớp lo nạn ném đá xe khách

Công Bắc - Tuấn Phong 27/02/2016 06:00 GMT+7
Từ năm 2013 đến nay, hàng trăm lượt xe khách từ Gia Lai đi trên Quốc lộ 14 và 19 bị ném đá trong lúc đang lưu thông. Nhiều vụ gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí có hành khách bị chấn thương sọ não, mù mắt

Những “điểm đen” ném đá xe khách

Rất may là các tài xế của xe khách bị ném đá dù bị thương tích vẫn bình tĩnh điều khiển xe dừng lại an toàn. Nhưng nếu trường hợp tài xế bị thương, mất lái thì hậu quả sẽ khó lường. Ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Hãng xe Hồng Hải, vận chuyển khách từ Gia Lai đi Đà Nẵng và TP. HCM cho biết, thiệt hại về vật chất một phần, nhưng thiệt hại về người là rất đáng lo ngại. “Ném kính rất nguy hiểm cho hành khách trên xe. Như vụ  ở Đạt Lý (Đăk Lăk), xe bị ném đá, mảnh kính văng vào mặt tài xế Nguyễn Đình Sửu làm hư cả một bên mắt” - ông Hải bức xúc nói.

Hành vi ném đá xe khách là hết sức nguy hiểm, trực tiếp đe dọa đến tính mạng của hàng chục con người trên mỗi chuyến xe, nguy hiểm hơn là các tài xế có khả năng bị mất lái do sự việc xảy ra đột ngột, xe đang lưu thông với tốc độ cao, dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông. 

Trước thực trạng trên, cuối năm 2014, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt xử lý các đối tượng ném đá. Đồng thời các tỉnh khu vực Tây Nguyên như: Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông cũng tích cực vào cuộc theo chỉ đạo của Ban An toàn giao thông quốc gia, nên nhiều đối tượng ném đá xe khách bị bắt và đưa ra xét xử thích đáng. Tháng 12.2015, Tòa án nhân dân huyện Đăk Min (Đăk Nông) đã tuyên án gần 15 năm tù đối với hai đối tượng Lang Huy Mân (20 tuổi, trú xã Ea Pô, huyện Cư Jút) và Nguyễn Văn Hùng (19 tuổi, trú xã Đăk N’drót, huyện Đăk Min) về hành vi ném đá xe khách. Trước đó, hai đối tượng này đã ném đá vào xe, khiến một hành khách bị đa chấn thương, biến dạng hốc mắt, gãy xương gò má, giảm thị lực, tỷ lệ thương tật 36%.

Ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết: Cùng với việc tăng cường lực lượng chức năng quyết liệt vào cuộc điều tra, xử lý các đối tượng ném đá xe khách, Gia Lai cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua đội ngũ tuyên truyền viên, đến tận khu dân cư, trường học. Từ đó, tình trạng ném đá xe khách trên địa bàn đã giảm hẳn.

img

Một trong 6 chiếc xe khách bị ném đá vào sáng 1.6.2015 khi đang lưu thông trên Quốc lộ 14. Ảnh: I.T

Tuy nhiên, một số vụ vẫn gây hậu quả nghiêm trọng và nỗi lo ném đá xe khách cho đến nay vẫn còn. Một số “điểm đen” về ném đá xe khách tại 2 quốc lộ trên như: Mang Yang, Chư Pưh thuộc tỉnh Gia Lai; Ea H’leo, Krông Buk (tỉnh Đăk Lăk); Cư Jút, Đăk Mil (Đăk Nông) và Bù Đăng (Bình Phước) trước đây gần như không còn, nhưng lại xuất hiện một số “điểm đen” khác cần được lưu ý như trên tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây.

Vẫn khó ngăn chặn

Nhằm ngăn ngừa hiện tượng ném đá trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, từ nay đến cuối năm, Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc (VECE), đơn vị quản lý tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) sẽ hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống camera theo dõi trên toàn tuyến. Bà Nguyễn Thị Hoài Phương - Phó Giám đốc VECE cho biết: Kể từ ngày thông xe đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây (ngày 2.1.2014) đến nay, VECE đã ghi nhận có 8 vụ xe bị ném đá, trong đó có 3 vụ được ghi nhận cùng ngày 11.9.2015.

Việc nhiều địa phương và đơn vị chức năng quyết liệt vào cuộc, góp phần làm giảm các vụ việc ném đá xe khách rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để thì tính mạng hành khách và tài xế trên mỗi chuyến xe qua các địa phương này vẫn chưa thật an toàn.