Đề thi vừa sức
Trong buổi sáng 15.7, các thí sinh về Hà Nội dự thi môn đầu của các khối A, B, C, D và năng khiếu bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng tốt vì đề thi khá dễ.
Thí sinh dự thi vào Trường CĐ Phương Đông (Đà Nẵng). |
Tại điểm thi của Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, thí sinh Bùi Thị Oanh (Gia Lâm, Hà Nội), dự thi môn lý khối A tươi cười khi vừa bước ra từ phòng thi: “Em thấy đề thi không khó, kiến thức lớp 12 là chủ yếu, đề dài nhưng không yêu cầu tính toán nhiều, em chắc đúng khoảng 70%”.
Cùng tâm trạng với Oanh là Đỗ Văn Đông (Quảng Ninh) - thí sinh dự thi tại Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. Đông tự tin nói: “Em chắc chắn 7 điểm trong tay. Em sẽ cố gắng thật tốt cho bài thi môn hóa và toán để đạt đủ điểm vào ngành học yêu thích”.
Mặc dù đề văn khối C, D và năng khiếu có khác nhau nhưng theo đánh giá của nhiều thí sinh, đề văn cũng không đòi hỏi phải kiến thức nghị luận sâu sắc. Đề sinh tuy dài nhưng cũng không khó và không yêu cầu ở mức đánh đố thí sinh.
Tại Đà Nẵng, 28.000 thí sinh đăng ký dự thi vào 6 trường CĐ trên địa bàn, gồm CĐ Thương mại, CĐ Kỹ thuật Y tế T.Ư II, CĐ Phương Đông, CĐ Đông Du, CĐ Việt - Hàn và CĐ Nội vụ. Kết thúc ngày thi đầu tiên, nhiều thí sinh cũng cho biết, đề thi không khó, phần nhiều đều làm được. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp thi môn vật lý đã quên mất phần thi chung và phần nâng cao, chỉ làm 40 câu trắc nghiệm mà không để ý đến 10 câu còn lại.
Ở khối B, nhiều thí sinh cho rằng, đề sinh (buổi sáng) bài tập nhiều, muốn làm tốt phải vận dụng kiến thức linh hoạt, nắm lý thuyết vững. Đối với môn văn (khối C, D), nhiều thí sinh cho rằng, đề văn tương đương đề thi tốt nghiệp THPT, nội dung đều nằm trong phần kiến thức lớp 12. Nhiều phòng thi, thí sinh hoàn thành bài làm sớm và nộp bài trong trạng thái thoải mái.
Số thí sinh phạm quy giảm
Đợt thi thứ 3 thường bị ấn tượng là “dễ dãi” hơn đợt 1,2 nhưng nhận định này không còn đúng trong kỳ thi năm 2011 khi mà số thí sinh vi phạm quy chế thi ngày đầu tiên ít hơn rất nhiều so với 2 đợt thi trước. Trong sáng 15.7, tại điểm thi của Trường CĐ Sư phạm T.Ư, 2 trường hợp đã bị phát hiện sử dụng tài liệu trong khi thi môn văn. Hai thí sinh này đã bị lập biên bản và đình chỉ thi ngay sau đó.
Tại các trường CĐ ở Đà Nẵng, nhiều thí sinh mang tài liệu vào phòng thi để thi môn toán và môn lịch sử. Hầu hết đã bị nhắc nhở trước giờ làm bài nên đều “tự nguyện” nộp tài liệu. Nhìn chung, thí sinh cho rằng, đề toán không khó nhưng hơi dài. Đề lịch sử nằm trong chương trình đã ôn tập của lớp 12.
Tại TP.Hải Phòng, có 2 trường CĐ tổ chức thi tuyển là CĐ Hàng Hải và CĐ Cộng đồng Hải Phòng. Theo ông Trần Văn Độ- Chánh Thanh tra Sở GDĐT: Đến 17 giờ ngày 15.7, chỉ có đúng 1 thí sinh dự thi tại Trường CĐ Cộng đồng bị đình chỉ thi vì sử dụng tài liệu trong phòng thi.
Còn tại điểm Trường CĐ Hàng hải, tình hình an ninh các điểm thi rất tốt, không có tình trạng phụ huynh tập trung đông và không có tình trạng hỗ trợ phao cho thí sinh. Kỹ sư Nguyễn Huy Cường - Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Hàng hải cho biết: Tính đến 17 giờ ngày 15.7, trường không có thí sinh nào vi phạm nội quy thi.
Tăng mạnh nhất phải kể đến Trường CĐ Giao thông - Vận tải- Hà Nội. Sáng 15.7, số thí sinh dự thi tăng vọt lên 20.938 đạt 71% (ngày làm thủ tục dự thi là 67%), Trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo T.Ư sáng 16.7 số thí sinh đến dự thi tăng 101 thí sinh, đạt 73%.
Điều đáng nói là trong buổi thi chiều, số thí sinh bỏ thi cũng không nhiều. Theo kỹ sư Chu Khắc Huy - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, trong buổi thi môn toán chiều 15.7, trường bị “rơi rụng” 4 thí sinh. Còn tại CĐ Sư phạm T.Ư, chỉ có 9 thí sinh bỏ thi.
Phú Cao - Vân Anh - Trần Phượng