Ông Tài cho biết, 8,5 ha đất lúa của mình bị thiệt hại đến 95%. Qua hai mùa bị thiệt hại do hạn, mặn, ông Tài đã thiếu nợ gần 200 triệu đồng.
Diện tích thiệt hại chưa dừng lại
Cả 1.000 ha đất dọc theo kênh T6, kênh 4, kênh Đoàn Dông… lúa cháy khô. Ông Bùi Văn Tài (60 tuổi) - ấp Kênh 4, xã Bình Giang buồn thiu đứng bên đám ruộng cháy khô vì hạn, mặn cho biết: “Bà con trồng lúa ở đây cả 20 – 30 năm rồi có xảy ra hạn, mặn như thế này đâu”.
Theo ông Tài, cán bộ ấp ghi nhận toàn bộ diện tích lúa của ông bị thiệt hại trên 95%; tổng mức đầu tư là 170 triệu đồng. Số tiền này đa phần ông Tài vay mượn...
Cùng cảnh ngộ như ông Tài, anh Phan Hùng Vũ - ấp Kênh 4 cho biết, gia đình anh làm 6ha lúa nay bị nhiễm mặn thiệt hại 90%.
Anh Vũ nói: “Vụ hè thu năm rồi tôi và nhiều bà con ở đây đã bị thiệt hại vì hạn, mặn một lần rồi nhưng chúng tôi không nghĩ trong vụ đông xuân lại bị mặn xâm nhập tiếp nên chẳng ai đề phòng. Chính quyền địa phương cũng chẳng ai thông báo tình hình hạn, mặn gì hết… Bây giờ mất trắng rồi. Nếu làm thêm vụ dưa này không trúng nữa, chắc đi Bình Dương lao động chứ tiền đâu mà trả phân thuốc…”. Nói xong anh Vũ quơ một nắm lúa chết khô cho chúng tôi xem, phần bông lúa chẳng có hột nào trắc, rễ lúa đen xì có mùi thối…
Anh Phan Hùng Vũ cho biết dù mỗi công chỉ kiếm được 4 -5 giạ lúa nhưng cũng phải gặt để lấy rơm trồng dưa lê, kiếm tiền trả nợ
Theo ông Tài và anh Vũ, ở Kênh T4 có nhiều hộ bỏ ruộng, không thuê người gặt lúa.
Ông Danh Hậu - Trưởng ấp Giồng Kè cho biết: “Theo danh sách mà chúng tôi vừa thống kê để báo lên UBND xã thì toàn ấp có 193 hộ có lúa bị thiệt hại từ 50 -100%, với tổng diện tích trên 800 ha. Hiện đời sống bà con ở đây vô cùng gặp khó khăn do thiên tai gây ra nên có nhiều hộ đi lên TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ để lao động”.
Ông Nguyễn Văn Phát – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho biết, qua một số ấp mới báo cáo thì tổng diện tích lúa thiệt hại do hạn, mặn… đến thời điểm này là trên 1.000ha, mức thiệt hại trên 90%. Về giải pháp trước mắt, địa phương thống kê diện tích và đề nghị tỉnh hỗ trợ cho bà con, giúp bà con có tiền tái sản xuất… Về lâu dài, xã đang khảo sát lại các tuyến kênh, cống đập sau đó đề nghị lên huyện cấp kinh phí xây thêm đập, nâng cấp đê bao để chống mặn.
Bỏ ruộng tha phương
Trên tuyến đê bao ven biển thuộc ấp Giồng Kè, nhiều căn nhà thấp tè mọc lên trơ vơ giữa cái nắng chang chang xứ biển. Nhiều căn nhà đóng cửa im ỉm. Chúng tôi gặp ông Danh Hương (80 tuổi) thẫn thờ ngồi trước nhà. Ông Hương cho biết, gia đình ông có 8 người con, mỗi người làm trên 2 ha đất nhưng chẳng ai thoát nghèo. Nhất là vụ lúa hè thu năm rồi và vụ lúa năm nay, còn khoảng hơn nửa tháng nữa là gặt lúa, nào ngờ hạn mặn xâm nhập làm lúa chết khô hết.
Ông Danh Hương nói: “Thấy lúa chết hết, hai đứa con đã bỏ ruộng đi Bình Dương kiếm việc làm rồi, mấy đứa còn lại định gặt lúa xong rồi cũng đi. Vợ chồng tôi thì ở nhà trông mấy đứa nhỏ cho tụi nó đi làm… Già rồi có làm được chuyện chi ra tiền nữa đâu, chỉ trông chờ vào vụ lúa này mà nay mất trắng hết rồi”.
Bà Thị Phol cho biết nếu không lên thành phố lao động thì chỉ có nước đói.
Ở nhà dưới, bà Thị Phol – vợ ông Danh Hương đang đút từng thìa cơm trắng cho đứa cháu ngoại. Cha mẹ cháu bé định gặt lúa xong rồi sẽ đi Bình Dương tìm việc.
Cháu Thúy Ngân – lớp 2 - nói: “Sau Tết, ba mẹ đã đi lên thành phố lao động rồi. Hiện cháu ở nhà với ông bà nội. Mấy hôm nay bà nội cứ khóc hoài vì thấy lúa chết…”.
Ông Nguyễn Văn Phát – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho biết, xã chưa thống kê đầy đủ nhưng từ Tết đến giờ mỗi ngày có cả xấp hồ sơ xin việc làm.
Xung quanh thông tin xã Bình Giang có 1.000 ha lúa bị thiệt hại, ông Trần Quang Củi – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, thông tin này đến nay Sở chưa có báo cáo nào từ huyện Hòn Đất. Sở đề nghị huyện Hòn đất thành lập đoàn khảo sát, tìm nguyên nhân lúa chết rồi báo cáo về Sở để xin ý kiến UBND tỉnh. Nếu Ủy ban thông qua diện tích bị thiệt hại, người dân sẽ được hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. |