Mục đích của chương trình là tập trung sự chỉ đạo và các nguồn lực đầu tư của hệ thống khuyến nông trong vùng để thực hiện tốt các nội dung của chương trình, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và thực hành của nông dân về giảm lượng giống lúa gieo sạ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong năm 2016 và các năm sau.
Người dân ngoại thành Hà Nội gieo sạ vụ đông xuân 2016. Ảnh: A.T
Các cơ quan khuyến nông sẽ triển khai đợt tuyên truyền tập trung, sâu rộng đến nông dân trong nội dung của chương trình do Bộ NNPTNT phát động, từ đó thay đổi nhận thức về tác dụng và sự cần thiết giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm chủ động ứng phó với xu hướng hạn và xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng gay gắt ở vùng ĐBSCL, thông qua đó nông dân tự giác tham gia chương trình. Các tổ chức khuyến nông sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị để lựa chọn các hình thức tuyên truyền sau đây:
Đồng thời, các tỉnh tổ chức chương trình tập huấn tập trung cho nông dân nòng cốt và cộng tác viên khuyến nông cơ sở về kỹ thuật gieo sạ thưa (80 - 100kg giống/ha) gắn với kỹ thuật 3G3T (3 giảm, 3 tăng), 1P5G (1 phải, 5 giảm), SRI (kỹ thuật canh tác lúa cải tiến), IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp)... và kỹ thuật sản xuất câc cây trồng chuyển đổi trên đất lúa đã xác định cho từng tiểu vùng. Ít nhất mỗi huyện, thị xã trong vùng tổ chức được 2 lớp tập huấn cho nông dân nòng cốt, cộng tác viên khuyến nông để họ tiếp tục hướng dẫn nông dân làm theo. Thời gian tập huấn tập trung từ 25.3 đến 30.5.
Tại các tỉnh triển khai 2 dự án khuyến nông trung ương (Dự án xây dựng mô hình sản xuất lúa 3G3T và SRI, Dự án xây dựng mô hình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ xuống 80kg/ha tại ĐBSCL), khẩn trương tổ chức chọn điểm, chọn hộ phù hợp, tập huấn cho nông dân trước thời vụ xuống giống và tổ chức cung cấp giống, vật tư đảm bảo chất lượng và hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình hình thành các tổ hơp tác, HTX để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao. Mỗi tỉnh/thành phố tham gia dự án cần xây ít nhất 1 mô hình mẫu của dự án để tổ chức hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm.
Tại mỗi tiểu vùng sinh thái của mỗi tỉnh/thành phố lựa chọn và xây dựng các mô hình liên kết chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phù hợp với quy hoạch chuyển đổi của tỉnh và nhu cầu thị trường, đảm bảo gắn kết giữa khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trọng tâm là chuyển sang trồng bắp lai hoặc bắp nếp, đậu nành, ngoài ra có thể chuyển trồng đậu phộng, mè, rau đậu, cây ăn trái hàng hóa (cam, bưởi, xoài, thanh long…).
Kế hoạch này đã được Trung tâm Khuyến nông quốc gia thống nhất và ký kết với 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.