Chiều 29.2, tại cuộc họp giao ban công tác khám chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức, nhiều bệnh viện (BV) cho biết đã sẵn sàng cho việc tăng viện phí từ ngày 1.3. Theo đó, dịch vụ y tế sẽ tăng khoảng 30% so với hiện nay, và đồng giá trên toàn quốc.
Quyền lợi người bệnh là trên hết
Ông Nguyễn Thành Trung – Giám đốc BV Đa khoa T.Ư Thái Nguyên cho biết, khi đưa lương và phụ cấp vào viện phí, BV cần phải giữ bệnh nhân mới có tiền để tồn tại. Tuy nhiên, cho dù thế nào, quyền lợi bệnh nhân vẫn trên hết.
“Bệnh nhân nội trú có bảo hiểm y tế (BHYT) chiếm tới 90%, nên tăng viện phí không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh. Còn bệnh nhân đến khám chỉ khoảng 50% có BHYT. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ khám tìm bệnh, nếu bệnh nhẹ chúng tôi sẽ tư vấn để bệnh nhân về tuyến dưới điều trị cho đúng tuyến, đỡ tốn viện phí” – ông Trung cho biết. Theo ông Trung, ngoài ra, BV bắt buộc cán bộ y tế phải thuộc Luật BHYT để tư vấn cho người dân để đảm bảo người dân có thể lựa chọn các gói dịch vụ phù hợp với túi tiền. “Đơn cử như nếu thay khớp háng loại xịn có giá 70 triệu đồng, có thể sử dụng 30-40 năm, nhưng nếu bệnh nhân đã già trên 70 tuổi, hoàn cảnh khó khăn thì bác sĩ sẽ tư vấn để bệnh nhân lựa chọn khớp háng khoảng 40 triệu, “chạy tốt” 15 năm, phù hợp với hoàn cảnh, túi tiền” - ông Trung phân tích thêm.
Những bệnh nhân không có BHYT sẽ chịu gánh nặng lớn về viện phí. (ảnh chụp tại BV Việt Đức). Ảnh: Diệu Linh
Ông Trung nêu quan điểm, việc tăng viện phí phải đi đôi với tăng chất lượng, quan trọng nhất vẫn là con người, đội ngũ cán bộ. Đồng thời đầu tư trang thiết bị, máy móc để thực hiện các kỹ thuật cao. Hiện nay, BV Đa khoa T.Ư Thái Nguyên đã đầu tư, chuyển giao nhiều kỹ thuật cao, thực hiện được nhiều dịch vụ chất lượng để “giữ” bệnh nhân như mổ tim hở, đặt stent mạch vành, thông mạch máu não, phổi mà không cần mổ... Hiện BV Đa khoa T.Ư Thái Nguyên có chỉ tiêu 1.100 giường bệnh nhưng lúc nào cũng kín bệnh nhân. Mỗi ngày, lượng bệnh nhân đến khám từ 1.200-1.500. Theo ông Trung, Thái Nguyên có thuận lợi là tới 88% dân số có BHYT nên người dân sẽ không bị “sốc” khi viện phí tăng.
Còn ông Trịnh Văn Mạnh – Giám đốc BV Đa khoa Quảng Ninh chia sẻ, sự ảnh hưởng an sinh đối với lần tăng viện phí này không nhiều do mới chỉ tăng giá viện phí ở đối tượng có BHYT. Theo ông Mạnh, để người dân yên tâm, đồng thuận với giá viện phí mới thì chất lượng phục vụ phải tăng theo, mà quan trọng nhất chính là khâu đón tiếp và khám chữa bệnh. Để tăng thời gian khám, tư vấn, BV đã tăng số bàn khám từ 18 lên 30, thực hiện nghiêm quy định mỗi buổi 1 bác sĩ chỉ khám không quá 20 bệnh nhân (tối đa 40 bệnh nhân/ngày).
Tăng giá trên toàn quốc
Từ 1.7 bệnh viện sẽ tính cả tiền lương của bác sĩ vào viện phí. Theo đó, giá viện phí sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay. Đồng thời, đến cuối 2016, mức viện phí mới sẽ áp dụng cho cả đối tượng không có thẻ BHYT. “Hiện còn hơn 23% người dân chưa có thẻ BHYT. Từ giờ đến lúc “cào bằng” viện phí cho tất cả các đối tượng, ngành y tế và BHXH Việt Nam cần tăng cường các giải pháp để động viên, trợ giúp các đối tượng này tham gia BHYT” – ông Nguyễn Nam Liên nhận định. |
Điều đặc biệt trong đợt tăng giá viện phí lần này là các BV sẽ áp dụng cùng 1 giá chứ không mỗi tỉnh một giá, mỗi hạng BV một giá khác nhau nữa, trừ giá khám chữa bệnh và ngày giường. “Giá ngày giường và khám chữa bệnh sẽ quy định theo hạng BV vì tiền đầu tư cơ sở vật chất khác nhau. Còn tiền phẫu thuật, thủ thuật thì sẽ được quy định giống nhau vì dù ở BV nào tiêu hao vật tư và nhân lực cho mỗi ca phẫu thuật, thủ thuật là như nhau” – ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) lý giải.
Như vậy, nếu đợt tăng giá viện phí năm 2012 phải chờ đợi HĐND các tỉnh họp bàn, quy định mỗi nơi một giá thì đợt tăng giá từ 1.3.2016, các BV đồng loạt cùng tăng giá và áp dụng 1 giá viện phí giống nhau cho từng dịch vụ. “Cùng giá viện phí, lại được tự do thông tuyến khám BHYT ban đầu trong tỉnh nên người bệnh sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn nơi khám chữa bệnh. Đồng thời các BV không làm tốt sẽ không thu hút được bệnh nhân, sẽ tự “chết” - ông Liên cho biết thêm.
Ngày 19.2, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cũng đã có công văn yêu cầu BHXH các tỉnh chuẩn bị cho thanh toán viện phí theo giá mới. Đồng thời yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cung cấp thông tin về việc sửa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh hoặc bổ sung giường bệnh, các trang thiết bị, máy móc và các điều kiện cơ sở vật chất khác.
“Nếu cơ sở y tế nào chỉ thu phí cao mà chất lượng khám chữa bệnh lại kém thì chúng tôi có thể tiến tới cắt thanh toán BHYT tại cơ sở đó, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh” – ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết.