Tại TP.HCM, có tới 29/32 (90%) BV tuyến tỉnh cam kết không để người bệnh nằm ghép. Còn các BV T.Ư tại TP.HCM, tỷ lệ BV không nằm ghép tới 80%.
TS Khuê cho biết, năm 2015, quy trình khám bệnh từ 12-14 bước giảm xuống còn 4-6 bước được áp dụng ở đa số các BV; giảm trung bình 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/năm cho xã hội. Các dự án xây dựng mở rộng BV, 15 dự án tuyến trung ương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng gần 4.800 giường bệnh, giảm nằm ghép.
Nằm ghép tại Bệnh viện Nhi T.Ư Hà Nội. Ảnh: Hữu Thọ
Một trong giải pháp giảm tải thành công là đề án BV vệ tinh. Hiện cả nước có 15 BV hạt nhân và 53 BV vệ tinh phân bố tại 37 tỉnh, thành phố. Các BV hạt nhân đã chuyển giao kỹ thuật thành công cho các BV vệ tinh khiến người dân có thể an tâm điều trị tại địa phương không phải chuyển tuyến, vượt tuyến, giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ dưới lên tuyến trên từ 65-100%. Cụ thể như bệnh nhân tim mạch giảm tới 98,5%; ung thư giảm 97%; ngoại khoa giảm 98,5%; sản khoa giảm 99%...
Là một trong những BV “thu lợi” nhiều từ đề án BV vệ tinh, ông Nguyễn Huy Ngọc – Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, từ năm 2005, BV Việt Đức đã đào tạo, chuyển giao nhiều kỹ thuật khó như gây mê hồi sức, phẫu thuật cột sống-u não-thay khớp-chấn thương-nội soi tiêu hóa-nội soi tiết niệu-nội soi chẩn đoán... Đến 2013, BV lại tiếp tục nhận sự chuyển giao của BV K và BV Bạch Mai. Đến nay, BV Đa khoa Phú Thọ có thể thực hiện được hầu hết các kỹ thuật cao trong các chuyên khoa ung bướu, chẩn đoán hình ảnh, tim mạch… Kết quả, nếu năm 2005 tỷ lệ chuyển tuyến ở BV này là 25%, đến nay chỉ còn dưới 1% cho các chuyên khoa ung bướu, tim mạch...