Ông Nguyễn Hữu Vũ cho biết, không phải xin nước thủy điện để tổ chức giải đua thuyền mà do đợt trước và những ngày tết trên địa bàn thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp, nên huyện có văn bản gửi cho thủy điện A Vương yêu cầu chạy phát điện để xả nước phục vụ việc tưới tiêu, sản xuất của nhân dân. “Sau khi nhận văn bản của huyện, thủy điện A Vương đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, họ đã xả nước, nhưng lượng nước về sông không lớn lắm. Ngoài ra, sẵn đợt thủy điện xả nước trúng ngay dịp huyện tổ chức giải đua thuyền truyền thống (mồng 6 Tết hằng năm - PV), chứ không phải huyện xin nước thủy điện để tổ chức giải đua thuyền như thông tin trước đó…” - ông Vũ nói.
Giải đua thuyền truyền thống huyện Đại Lộc tổ chức hôm mồng 6 tết nhờ nước thủy điện xả
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lô - Trưởng Ban chuẩn bị đầu tư kiêm phụ trách Công tác cộng đồng thủy điện A Vương, lại cho rằng: “Dù thủy điện đã ngừng phát điện trước đó theo chỉ đạo của UBND tỉnh để giữ nước phục vụ cho vụ Hè Thu. Nhưng trước yêu cầu của UBND huyện và nhân dân Đại Lộc, thì thủy điện A Vương đã chấp nhận việc xả nước theo cách chạy phát điện trong thời gian 8 tiếng. Mục đích cũng phục vụ việc tưới tiêu của nhân dân và việc đua thuyền truyền thống được thành công thôi…”
Còn ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hiện các sông Thu Bồn, Vu Gia trên địa bàn đủ nước để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân, còn các thủy điện đã tích đạt mực nước cao trình như: Sông Tranh 2, Đắc Mi 4, Sông Bung, còn riêng A Vương thấp gần 4m so với mực nước cao trình. Trước việc này, Chi cục đã kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu thủy điện A Vương ngừng vận hành tháng 1 và 2 để tích nước lại nhằm phục vụ vụ Hè Thu sắp tới, còn tháng 3 này thủy điện có được phép vận hành hay không còn phải chờ ý kiến của ủy ban tỉnh...”.
Còn việc huyện Đại Lộc “xin” nước để tổ chức giải đua thuyền vừa rồi thì sao? – P V hỏi. Ông Tý nói: “không phải xin nước để đua thuyền, việc xả này hiểu theo nghĩa là vận hành lớn hơn chút và phục vụ nông nghiệp là chủ yếu…”