Dân Việt

“Dự án Luật Biểu tình mãi điệp khúc đưa vào, rút ra”

Ngọc Lương 02/03/2016 06:45 GMT+7
“Khi Quốc hội đã thông qua Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, cần phải cố gắng thực hiện đúng, không nên để xảy ra tình trạng dự án luật hết đưa vào rồi lại rút ra như dự án Luật Biểu tình”.

Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bày tỏ quan điểm xung quanh   việc ngày 29.2  Chính phủ lại đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chưa trình dự án Luật Biểu tình để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIII.

Chưa thống nhất, khó đảm bảo về nội dung

Ngày 1.3, trao đổi với NTNN/Dân Việt, ông Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội (cơ quan được giao thẩm tra dự án Luật Biểu tình) cho hay: Uỷ ban Quốc phòng – An ninh chưa nhận được thông tin chính thức xung quanh việc Chính phủ xin lùi trình dự án Luật Biểu tình.

img

Việc xây dựng Luật Biểu tình nhằm để cụ thể hóa quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận... (ảnh minh họa). Ảnh: Internet

Cũng theo ông Khoa, vì dự án Luật Biểu tình chưa trình Chính phủ xem xét, thông qua tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2016 nên dự luật này sẽ không thể trình ra kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII (dự kiến khai mạc 21.3) để Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

Tổng thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có thông báo gửi đến các đại biểu Quốc hội, các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII, dự kiến khai mạc vào ngày 21.3, bế mạc vào ngày 14.4. So với lịch dự kiến trước đó, nội dung Chính phủ trình và Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật Biểu tình đã được đưa ra khỏi chương trình

Dự kiến ngày 7.3, UBTVQH sẽ họp phiên thứ 46, nếu dự án Luật Biểu tình chưa được Chính phủ thống nhất để chuyển sang cơ quan thẩm tra và trình UBTVQH cho ý kiến thì sẽ không thể trình ra Quốc hội.

Trước câu hỏi vậy trách nhiệm của cơ quan soạn thảo ra sao khi nhiều lần xin lùi trình dự án Luật Biểu tình, đặc biệt là khi trước đó UBTVQH đã không đồng tình, ông Nguyễn Kim Khoa cho rằng: Quốc hội sẽ đánh giá việc thực hiện chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Chính phủ.

Cũng theo ông Khoa, các bộ hồ sơ của dự luật này đã đủ, nhưng phần nội dung thì ông chưa được thẩm định. "Quan trọng là nội dung của dự luật. Nếu như Chính phủ chưa thống nhất được nội dung thì đương nhiên dự luật khó đảm bảo chất lượng" - ông Khoa nhận định.

Nhiều cái khó

Đại biểu Trần Ngọc Vinh – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng cho rằng, theo quy định của pháp luật, cơ quan soạn thảo phải trình dự án Luật Biểu tình ra kỳ họp thứ 11 Quốc hội XIII (tháng 3.2016), nhưng vì không chuẩn bị kịp mà vẫn cứ cố đưa ra, nội dung của dự luật sẽ không được chu đáo.

Cũng theo ĐB Vinh, về vấn đề này, UBTVQH một lần nữa cần xem xét và có ý kiến. "Khi dự luật không được trình theo đúng kế hoạch, như vậy có nghĩa là cơ quan hữu trách đã không chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết của Quốc hội" - ĐB Vinh đánh giá.

Cũng theo ông Vinh, tại kỳ họp Quốc hội tới, chắc chắn Chính phủ sẽ có giải trình nêu rõ vì sao phải xin lùi trình dự án Luật Biểu tình bởi tại phiên họp thứ 45, UBTVQH đã rất cương quyết trong việc yêu cầu Chính phủ phải sớm hoàn thiện dự luật để trình ra Quốc hội.

“Nhưng dù lý do là gì thì Chính phủ cũng đã chưa chấp hành nghị quyết của Quốc hội.  Khi Quốc hội đã thông qua Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, Chính phủ cần nỗ lực, cố gắng để thực hiện đúng. Không nên để tình trạng dự án luật hết đưa vào rồi lại rút ra” – ĐB Vinh bày tỏ.

Trong khi đó, Thiếu tướng Trần Thế Quân – Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Biểu tình) lại chia sẻ: Tháng 1.2016, dự thảo Luật Biểu tình đã được trình ra xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, vì còn nhiều ý kiến khác nhau nên Chính phủ chưa đạt được sự thống nhất trong nhiều nội dung.

Thiếu tướng Quân nêu ví dụ: Như với nội dung người nước ngoài đang sống ở Việt Nam có được tổ chức hoặc tham gia biểu tình hay không cũng là một vấn đề khó.  “Xây dựng Luật Biểu tình là để thể chế hoá những quyền cơ bản của con người, của công dân, nhưng Hiến pháp chỉ nói đến quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam, trong khi người nước ngoài hiện đang sống ở Việt Nam cũng khá đông”- Thiếu tướng Quân phân tích.

Cũng nói về khó khăn trong việc xây dựng dự án Luật Biểu tình, ông Trần Đình Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội chia sẻ thêm: Tôi có tham gia một số hội thảo liên quan tới việc xây dựng dự án luật này nên hiểu, việc xây dựng dự án Luật Biểu tình hết sức khó khăn, phức tạp, bởi nó đồng thời liên quan đến nhiều quy định pháp luật khác chứ không đơn giản. /.