Dân Việt

Vì sao IS săn lùng ông chủ Facebook, Twitter?

Nam Tào 02/03/2016 07:20 GMT+7
Với sự triệt phá không ngừng của những người quản lí mạng xã hội, trong thời gian tới, có thể khủng bố sẽ liên lạc qua thế giới ngầm, nơi dữ liệu được mã hoá.

Các công ty mạng xã hội của Mỹ đang tăng cường việc hạn chế hoạt động hỗ trợ khủng bố trên nền tảng của mình, điều góp phần làm hoạt động tuyên truyền của những nhóm cực đoan này kém hiệu quả hơn. Để phản ứng với những hành động trên, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã phát hành một đoạn video doạ giết cả 2 người sáng lập của Facebook và Twitter là Mark Zuckerberg và Jack Dorsey.  Điều này được thực hiện do mạng xã hội đã là cách truyền thông không thể hiệu quả hơn của khủng bố, tạo điều kiện cho chúng liên hệ với những người ủng hộ mới ở nhiều nơi khác nhau trên khắp thế giới.

Trong khi Al Qaeda là mạng lưới khủng bố đầu tiên sử dụng cách thức này, những nhóm khủng bố mới như IS, đã đưa chiến lược Internet lên một tầm cao mới khi sử dụng một số lượng lớn các tài khoản Facebook và Twitter để đăng tải hàng loạt những đoạn video tuyên truyền cực đoan của mình.

img

Ông chủ Twitter Jack Dorsey (trái) và người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg

Gần đây, Twitter cho biết, họ đã khoá 125.000 tài khoản liên quan khủng bố, đặc biệt là IS.

"Giống như hầu hết mọi người trên thế giới, chúng tôi cảm thấy kinh sợ bởi những tội ác của những nhóm cực đoan. Chúng tôi lên án việc sử dụng Twitter để quảng bá chủ nghĩa khủng bố và nguyên tắc của Twitter khẳng định rõ rằng, loại hành vi này hoặc bất kỳ mối đe dọa bạo lực nào sẽ không được phép sử dụng dịch vụ của chúng tôi. Vì bản chất của khủng bố đã thay đổi, do đó, chúng tôi cũng cần có phản ứng hợp lí", thông báo của Twitter cho hay.

Hiện Twitter đã thành lập một đội chuyên tăng cường rà soát các tài khoản ủng hộ cho khủng bố. Theo cơ quan nghiên cứu Brookings, trên thực tế, số người thực sự sử dụng những toàn khoản như vậy không nhiều, tuy nhiên, một người có thể quản lí nhiều tài khoản khác nhau, thậm chí có thể lên đến 2.000 tài khoản.

Facebook mạnh tay hơn khi đã lập ít nhất 5 văn phòng trên toàn thế giới để giám sát việc hỗ trợ khủng bố. Những nhân viên thực hiện việc này có thể thành thạo nhiều ngôn ngữ khác nhau để có thể phát hiện sự ủng hộ cho khủng bố bằng nhiều cách thức. Facebook cũng đã đưa ra “quy định về tiêu chuẩn cộng đồng”, trong đó, cấm hoàn toàn việc hỗ trợ cho các nhóm bạo lực cực đoan.

Mặc dù đang tăng cường việc chống hỗ trợ tuyên truyền khủng bố, nhưng có thể nói, sự phản ứng này vẫn khá chậm chạp. Nguyên nhân của việc này một phần vì các mạng xã hội lo sợ bị cáo buộc có dính lứu đến vấn đề thu thập thông tin tình báo cho chính phủ Mỹ. Nếu các mạng xã hội hành động nhanh chóng như những gì chính phủ yêu cầu, người dân sẽ nghĩ ngay đến việc họ là một công cụ do thám của chính quyền, nhất là khi vụ lùm xùm Cơ Quan An ninh Mỹ (NSA) theo dõi thông tin điện thoại của người dân Mỹ vẫn còn dư âm trong vài năm qua.

Với sự triệt phá không ngừng của những người quản lí mạng xã hội, trong thời gian tới, có thể khủng bố sẽ liên lạc qua thế giới ngầm, nơi dữ liệu được mã hoá. Tuy nhiên, việc ngăn cản được chúng phát tán những lời tuyên truyền cổ động cực đoan trên mạng xã hội mở cũng là một bước đi cần thiết và thắng lợi trong chiến tranh thông tin.