Đây là một trong những đề xuất nằm trong ý tưởng cải tạo cầu Long Biên và quy hoạch khu vực quanh cầu được kiến trúc sư Nguyễn Nga, một Việt kiều Pháp, chủ nhân "Ngôi nhà nghệ thuật" trình bày ở Hà Nội, ngày 15.7.
Ý tưởng mà bà Nguyễn Nga đưa ra trước đông đảo các nhà quản lý, nghiên cứu, nhà khoa học, đơn vị thiết kế, tư vấn, quy hoạch kiến trúc đô thị của Thủ đô nhấn mạnh tới việc cải tạo cầu Long Biên, cho phép bảo tồn cầu như một công trình quan trọng trong di sản kiến trúc Hà Nội, mở ra không gian mới độc đáo về văn hóa, nghệ thuật cho cộng đồng nhằm tạo ra sức hút cho ngành du lịch.
Cầu Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Kiến trúc sư này mong muốn cây cầu sẽ thành cầu đi bộ với không gian mở rộng ra hai bên bờ sông, khu phố cổ, bãi giữa sông Hồng. Một phố nghề nghệ thuật sẽ được tạo dựng tại 131 vòm cầu gạch hiện tại đang bị bít kín để làm nơi giới thiệu các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, cho phép người làm nghề tiếp xúc với những cơ hội, tìm thị trường mới cho sản phẩm.
Một số không gian khác trong 131 vòm cầu gạch này được dành cho các nghệ sỹ, người yêu nghệ thuật sáng tạo, trình diễn nghệ thuật Việt Nam và quốc tế.
Chủ nhân của đề án cũng nuôi tham vọng xây dựng một khu vườn treo với con đường đi dạo từ trên cao nhìn xuống phố Gầm Cầu, Phùng Hưng. Bên cạnh đó là phố đi bộ mang tên "Đại lộ hòa bình" nối những điểm văn hóa, lịch sử của Thủ đô 1.000 năm tuổi dài 4km xuất phát từ Nhà hát Lớn Hà Nội, qua vườn hoa Lý Thái Tổ, hồ Hoàn Kiếm, 36 phố phường Hà Nội xưa rồi đến Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc tử giám, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh...kéo đến cầu Long Biên.
Trong trục đại lộ này, tháp nước Hàng Đậu sẽ được cải tạo thành bảo tàng cổ vật, giới thiệu các bộ sưu tập cổ vật thể hiện giá trị văn hóa của người Việt qua nhiều giai đoạn lịch sử. Khu bãi giữa sông Hồng sẽ được cải tạo, đắp cao, xây kè để quy hoạch thành công viên tự nhiên với làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, nhà kính vườn sinh vật tự nhiên. Bên bờ phải sông, ngay lối ra Gia Lâm của cây cầu sẽ xây dựng tháp Sen - bảo tàng nghệ thuật đương đại...
Theo dự toán của bà Nguyễn Nga, toàn bộ các công trình cải tạo, quy hoạch xây dựng này có thể hoàn tất vào năm 2020 với kinh phí khoảng 4.860 tỷ đồng. Các công trình không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, ít phải giải phóng mặt bằng và đặc biệt là tạo được môi trường xanh, thân thiện với con người, giảm bớt ô nhiễm ở Thủ đô...
Rất nhiều đại biểu dự cuộc tọa đàm đã đánh giá rằng, ý tưởng cải tạo, quy hoạch mà bà Nguyễn Nga đưa ra là sáng tạo, rất táo bạo và có thể thực hiện nhưng phải có nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về mọi mặt.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, trước hết phải được sự đồng ý của lãnh đạo Thủ đô Hà Nội, công nhận cầu Long Biên là di sản, trước hết là của Hà Nội, sau là di sản quốc gia. Cầu Long Biên phải trở thành di sản thì thành phố mới có thể bảo tồn, quy hoạch, phát huy giá trị hiệu quả.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị cầu Long Biên, biến nơi đây và các điểm văn hóa, lịch sử của Hà Nội thành không gian di sản hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế, phục vụ đắc lực cho phát triển du lịch Thủ đô cần sự chung tay, góp sức của chính quyền và đông đảo người yêu Hà Nội.
Hầu hết các ý kiến của đại biểu đều nhất trí cho rằng mọi việc cải tạo, tu bổ nên giữ nguyên dáng vẻ cây cầu, bởi đây là chứng nhân lịch sử, chứng kiến bao thăng trầm của Thủ đô trong suốt hai cuộc kháng chiến, thời kỳ đổi mới.
Nếu có sự đầu tư tốt, đúng hướng thì không gian kết nối di sản văn hóa, lịch sử Hà Nội mà trọng tâm là cầu Long Biên sẽ tạo động lực lớn để phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa.