Đêm 2.3 (theo giờ Việt Nam), HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết trừng phạt để đáp lại vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh lên quỹ đạo trong thời gian vừa qua của Bình Nhưỡng.
Theo Reuters, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với những lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất của LHQ. Nghị quyết trừng phạt này được soạn thảo chủ yếu dựa trên kết quả thương lượng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đại sứ Mỹ Samantha Power cho biết, các biện pháp trừng phạt mới này khắc nghiệt nhất trong vòng hai thập kỷ qua của lịch sử LHQ, nhằm cắt đứt nguồn vốn cho các chương trình vũ khí bị cấm và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Theo các biện pháp trừng phạt mới, tất cả các chuyến hàng đến và đi từ Triều Tiên sẽ bị thanh sát. Ngoài ra, 16 cá nhân, trong đó có các đại diện thương mại Triều Tiên ở Syria, Iran và Việt Nam, cùng với 12 thực thể của Triều Tiên sẽ bị liệt vào danh sách đen của LHQ.
Lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các chuyến hàng tới và rời Triều Tiên sẽ bị thanh sát. Nghị quyết cũng cấm các tàu của Triều Tiên bị tình nghi là chở những mặt hàng phi pháp rời các bến cảng trên khắp thế giới, đồng thời thắt chặt lệnh cấm vận vũ khí để cản trở cả những nhà cung cấp vũ khí loại nhỏ giao dịch với Bình Nhưỡng.
Nghị quyết cũng cũng áp đặt lệnh cấm Triều Tiên xuất khẩu than, quặng, vàng, titan và khoáng sản đất hiếm đồng thời cấm các quốc gia cung cấp cho nước này nhiên liệu dùng trong ngành hàng không. Đại sứ Power cho rằng: “Các quy định kiểm tra hàng hoá là cực kỳ quan trọng”.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki- Moon hoan nghênh động thái của HĐBA. Trong một tuyên bố, ông Ban Ki- Moon nhấn mạnh: “Bình Nhưỡng phải trở về tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế của mình”.
Kể từ năm 2006, LHQ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng 4 lần thử nghiệm hạt nhân và nhiều lần phóng tên lửa.
Bình luận về nghị quyết trên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh nghị quyết sẽ buộc Triều Tiên phải đưa ra sự lựa chọn rõ ràng giữa việc tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân hay tái hòa nhập với cộng đồng quốc tế và chăm lo cho người dân của mình. Ông Blinken tuyên bố nghị quyết của LHQ lần này sẽ là một trong những nghị quyết cứng rắn nhất từ trước tới nay.
Trước đó, sau gần hai tháng đàm phán song phương, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Trung Quốc đã có những thoả thuận về biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý hỗ trợ các biện pháp cứng rắn bất thường nhằm thuyết phục đồng minh thân cận của mình để từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Đại sứ Trung Quốc Liu Jieyi bình luận: “Nghị quyết được thông qua hôm nay sẽ là một điểm khởi đầu mới và là một viên đá lát đường cho giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên"
Tuy nhiên, ông Liu Jieyi nhắc lại mối quan ngại của Bắc Kinh về khả năng Mỹ có thể triển khai một hệ thống chống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.
Ông Liu Jieyi nói: “Tại thời điểm này tất cả các bên liên quan nên tránh các hành động có khả năng làm trầm trọng thêm căng thẳng. Trung Quốc phản đối việc triển khai các hệ thống chống tên lửa THAAD ... vì một hành động như vậy làm tổn hại đến lợi ích chiến lược và an ninh của Trung Quốc và các nước khác trong khu vực”.
Triều Tiên đã không có những phản ứng tức thời sau khi LHQ thông qua nghị quyết này. Trước đó ngày 29.2, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên nhấn mạnh: “ Dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên là một hành vi xâm phạm và thách thức nghiêm trọng đối với chủ quyền của Triều Tiên”.
Theo các nghị quyết trước đây, Triều Tiên bị cấm nhập khẩu hoặc xuất khẩu các mặt hàng và công nghệ hạt nhân hoặc tên lửa cũng như hàng hóa xa xỉ. Nghị quyết mới mở rộng những mặt hàng bị cấm, bổ sung hàng xa xỉ như đồng hồ đắt tiền, xe trượt tuyết, xe nước giải trí và đồ pha lê. Nghị quyết mới này cũng bổ sung vào danh sách đen 17 cá nhân và 12 thực thể Triều Tiên. Tất cả những đối tượng này đều bị phong tỏa tài sản và bị cấm đi lại.
Cá nhân mới nằm trong danh sách đen bao gồm một quan chức cấp cao trong chương trình tên lửa tầm xa của Triều Tiên, các quan chức cao cấp của Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ quốc gia (NADA), các quan chức của Ngân hàng Thương mại Tanchon tại Syria và Việt Nam, và đại diện của Tổng công ty Thương mại (KOMID) ở Iran và Syria.