Nguyễn Thị Hằng, Cù Thanh Tú, Đặng Hồng Hà trên bục nhận Huy chương Bạc ASIAD 16. |
Có tận mắt chứng kiến các xạ thủ Việt Nam thi đấu mới thấy, vì sao họ lại hạnh phúc như vậy khi biết mình đã giành HCB. Trong thời gian gần 1 ngày thi đấu, tất cả đều trải qua một cuộc đấu trí, đấu sức căng thẳng với những đối thủ mạnh.
Sau khi biết tin mình đã có tấm HCB, khi được các phóng viên Việt Nam hỏi sẽ dành tặng tấm huy chương này cho ai, cả xạ thủ đồng loạt trả lời rằng sẽ dành tặng cho những đứa con yêu dấu ở nhà, rồi ôm nhau khóc như trẻ con. Cù Thị Thanh Tú có con lớn nhất cũng mới chỉ 4 tuổi.
Tú nghẹn ngào: “Thương các con lắm, làm mẹ mà không có thời gian chăm sóc các con, việc tập luyện thi đấu suốt năm khiến những người mẹ như chúng tôi thật có lỗi. Để đạt được thành tích như ngày hôm nay, chúng tôi đã phải khóc rất nhiều”.
Còn cô em út của đội Nguyễn Thị Thu Hằng thì con mới chưa đầy 10 tháng tuổi. Lần này, cả 2 bố mẹ đều xa con để sang Quảng Châu (bố là VĐV bắn súng Đỗ Đức Hoàng) nên phải gửi nhờ ông bà nội, ngoại.
Vì tập luyện, thi đấu mà sau khi sinh được vài tháng, Hằng đã phải cai sữa cho con.
“Bây giờ chúng em chỉ nhớ đến con gái thôi. Bọn em phải xa nhà rất lâu rồi nên cái thời gian để con ở nhà cho mọi người trông, bọn em cảm thấy có điều gì đó rất khó nói. Nhưng vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc, bọn em đành phải hy sinh một cái gì đấy. Bọn em chỉ mong muốn thời gian sớm nhất được về với gia đình” - Hằng nghẹn ngào.
Nữ xạ thủ xinh đẹp Đặng Hồng Hà dường như nôn nóng hơn tất thảy: “Em chỉ muốn bay nhanh về nhà. Nhiệm vụ với Tổ quốc đã hoàn thành. Giờ là toàn bộ thời gian dành cho bé”.
Trước ống kính máy quay, Hà gửi những lời rất cảm động về cho đứa con mới bước sang tuổi thứ 2: “Thi đấu xong, mẹ sẽ về với con…”.
Trần Chân – phóng viên của Trung Quốc khi biết ý nghĩa của câu nói ấy đã... lắc đầu lè lưỡi. Ngay cả phóng viên theo dõi thể thao kỳ cựu như anh cũng không thể ngờ, những người á quân châu lục ấy lại đang bận “con mọn”.
Có một điều trùng hợp là cả Tú, Hằng và Hà đều cho biết: Trước ngày thi đấu, họ không dám điện về cho con. Bình ổn tâm lý, tránh những cơn xúc động cho thi đấu là nhiệm vụ cao hơn cả. Có lẽ dăm năm nữa, những đứa con của 3 xạ thủ sẽ kể câu chuyện rằng: “Hồi ấy, mẹ tớ bỏ tớ ở nhà để đi lấy… huy chương cho thể thao nước mình”.
Tuấn Lệ (từ Quảng Châu)