Kỳ 1: Còn đâu cảnh thanh bình…
Trong tâm tưởng của lão ngư Sầm Sơn, làng biển của họ vốn rất yên bình, với cảnh đàn ông sáng ra đi biển, chiều về những người đàn bà lụi cụi gỡ cá cùng chồng, rồi gom những mớ cá tôm ra chợ bán, đong gạo nuôi con ăn học, lớn khôn. Không thể phủ nhận sự hào nhoáng mà dự án FLC mang lại khi chỉ trong một đêm có những người bỗng chốc trở thành tỷ phú nhờ tiền đền bù đất. Thế nhưng, đa số ngư dân thì chóng mặt, sa mày khi cả khu vực rộng lớn nơi đây sắp được biến thành thiên đường nghỉ dưỡng.
Ngư dân Sầm Sơn kéo thuyền thúng ra khơi (Ảnh Lê Hữu Thọ)
Nhớ bãi biển làng
Không còn đủ sức để đi cùng dân làng lên thành phố Thanh Hóa, ăn chực nằm chờ để phản đối quyết định thu hồi bãi biển làng mình với Tập đoàn FLC nữa, cụ ông Lê Đồng Cược 80 tuổi (thôn Bắc Kỳ, phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn), mấy hôm nay cứ ra bãi biển làng mình tần ngần, ngôi nhìn ra khơi, nơi đáng nhẽ giờ này, cụ và 4 người con của mình đang thả lưới đánh cá, thuyền của làng phủ kín mặt biển rồi. “Giờ thì 180 tàu, thuyền, múng…đánh bắt hải sản của làng đang nằm gác mõm trên bãi cát”. Có chứng kiến cảnh này mới thấu hiểu được, cả thuyền và người đi biển ở Sầm Sơn đang thèm được ra khơi lắm, chứ không phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, ăn mỳ tôm sống tập trung nơi trụ sở cơ quan công quyền để đòi được giữ lại bến thuyền của làng mình.
Như vớ được người tâm sự, cụ Cược nhìn ra biển rồi thả thừng câu nói chậm rãi kể về làng quê mình: Dân quê tôi hiền và yêu biển lắm. Từ bé tôi được nghe các cụ kể rằng họ Lê nhà tôi và các họ khác “an cư lạc nghiệp” được trên 400 năm. Xưa, quân Pháp tới đây, đốt phá, rồi thời kỳ Nhật chúng cho ngựa xéo nát hết cá khô rồi cười khoan khoái. Chiến tranh chống Mỹ, chúng bắn đại bác, pháo bầy bỏ bom. Đến khi giặc qua rồi, thì biển làng lại trở mình tươi đẹp. Trước đây, Sầm Sơn vắng lắm, sát biển là những cánh rừng phòng hộ kiên cố với những gốc cây cả người ôm không xuể. Cũng nhờ rừng cây này mà người dân mới tránh được những cơn bão kỷ lục.
Cũng theo cụ Cược, đến năm 1981, quê cụ mới lên thị xã, từ đó người dân ở đây mới có thêm nghề dịch vụ du lịch vào mấy tháng hè. Còn lại chủ yếu vẫn trông vào nghề đi biển. Mà không nói đâu xa, chỉ cách đây 5 năm thôi, dân Sầm Sơn vẫn có một cuộc sống yên bình, vì biển chưa bao giờ phụ những người con dân của biển. Tôi năm nay 80 tuổi, vẫn sáng ra chèo mủng đi thả lưới, đến 10h trưa thì về. Ngày tốt được đến 500 nghìn đồng, còn ngày xấu cũng được dăm bẩy chục nghìn, dư cho hai vợ chồng già nuôi nhau đâu cần nhờ đến con cháu. Chưa kể, con trai, con rể nhà tôi có tổng cộng 3 chiếc thuyền máy đi xa tới 10 hải lý, biển thương người nên có hôm kiếm tiền triệu là được. Bố đi biển, chiếu xuống, đám trẻ con trong làng ra bến đợi bố mẹ làm lưới, đá bóng, kéo co, đuổi bắt, tập bơi…
Ngư dân xã Quảng Cư (Sầm Sơn) kéo lưới rùng trên bãi biển mỗi sáng (Ảnh Lê Hữu Thọ)
Tuy dân tôi ít ruộng nhưng bù lại có nghề đi biển, nên cuộc sống khỏe khoắn, yên bình đến lạ thường. Phải nói, trước kia dân Thanh Hóa đi ăn mày ăn xin, làm thuê khắp nơi, nhưng tôi đảm bảo người Sầm Sơn có sức khỏe được thừa hưởng nghề đi biển dư sức sống, chẳng có ai phải bỏ quê đi nơi khác kiếm ăn cả. Tuy phải đối mặt với sóng gió nhưng dân làng biển ai cũng xác định phải bám làng bám biển đến cùng, vì biển chẳng bao giờ phụ lòng người.
“Đây vừa là nghề truyền thống của cha ông để lại, dân bám biển để bảo vệ biển là tai mắt cho bộ đội bảo vệ biển bảo vệ tổ quốc từ xa. Chúng tôi suy nghĩ rằng nếu dân mà không có mặt trên biển chắc chắn ngoại xâm sẽ nhóm ngó tới”- cụ Cược ngầm ngùi.
Đại công trường FLC
Ngọn nguồn của việc hàng trăm ngư dân xã Quảng Cư và phương Trung Sơn thị xã Sầm Sơn bỏ biển kéo nhau lên UBND tỉnh Thanh Hóa để phản đối quyết định di chuyển bến thuyền của họ vì dự án xây dựng chỉnh trang lại đường và các ki ốt bán đồ lưu niệm, trong đó có cả hợp phần di dời bến thuyền của bà con ngư dân đi nơi khác. Thậm chí, ngư dân còn kêu ca cho rằng, việc đền bù thuyền cho bà con với giá từ 50 triệu đến 120 triệu mỗi phương tiện để ngư dân chuyển đổi nghề là chưa hợp lý.
Phần lớn những người phụ nữ Quảng Cư tham gia nghề biển (Ảnh Lê Hữu Thọ)
Thông tin về dự án cái tạo cảnh quan, chúng tôi đã được ông Lê Quang Huy - Phó phòng Truyền thông báo chí của tập đoàn FLC cung cấp rằng: “Lý do di chuyển bến thuyền vì vào mùa tắm biển, nước ở khu vực bến thuyền rất tanh hôi, nên doanh nghiệp muốn di chuyển bến thuyền tới nơi khác không làm ảnh hưởng chất lượng tắm và nghỉ ngơi của du khách. Về hướng cải tạo cảnh quan khu vực bãi tắm Sầm Sơn, FLC sẽ đầu tư xây dựng 15 ki ốt bán hàng, lưu niệm và 20 điểm tắm tráng nước ngọt, dọc theo chiều dài 3,5km bãi biển. Tập đoàn cũng sẽ làm lại toàn bộ đường giao thông, với kinh phí 351 tỷ đồng do FLC bỏ ra và dự kiến thu hồi vốn trong 30 năm”.
Nhưng đó chỉ là viễn cảnh mà FLC đang vẽ ra. Đứng trước đại công trường FLC tại Sầm Sơn, chị Ngô Thị Liên - 38 tuổi (thôn Hồng Thắng, xã Quảng Cư) nói nhà nước xây gì chúng tôi không phản đối nhưng di chuyển bến thuyền đi nơi khác thì rất khó cho chúng tôi. Rồi đây, phụ nữ trong làng kiếm sao được việc làm, những nghề khác như chế biến thủy sản, làm nước mắm, làm cá khô rồi đây sẽ ra sao. Chẳng nhẽ chỉ vì du khách đến tắm biển 3 tháng mà bắt dân tôi nghỉ đi biển vĩnh viễn à? Chuyển bến thuyền thì có khác gì ép dân phải bỏ làng mà đi xa…
Đón đọc kỳ 2: Ngộp thở với dự án