Những con đường của lòng dân
Ông Nguyễn Bá Khuyến – Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết, năm 2007 Tân Sơn được tách ra từ huyện Thanh Sơn, với dân số khoảng 77.000 người, trong đó hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số như Mường, Dao; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 62%... Việc phát triển kinh tế, xây dựng NTM của huyện gặp rất nhiều khó khăn.
Bệnh viện Đa khoa Tân Sơn đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua máy chụp cắt lớp CT, siêu âm 3 – 4 màu nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân. ảnh:V.T
“Chúng tôi đã vận dụng tất cả các nguồn lực như Chương trình 30a, 135, xây dựng NTM… để phát triển kinh tế. Theo đó, trong 5 năm, huyện đã hỗ trợ 332 máy cày, bừa, 140 máy hái chè, 54 máy bơm nước, 315 máy tuốt lúa… cho người dân. Hỗ trợ gần 5 tỷ đồng cho 16 xã để phát triển các đặc sản của vùng như gà nhiều cựa, lợn rừng, dê, chè, đồng thời làm trước các tiêu chí thiết thực như giao thông, y tế, giáo dục” – ông Khuyến cho hay.
"Từ khi có đường bê tông, việc đi lại thuận tiện hơn bất kể ngày nắng, mưa. Cũng từ ngày có đường phong trào chạy thể dục buổi sáng ở thôn rầm rộ hẳn lên. Con đường này chúng tôi đã ước mơ từ lâu và nay nó đã thành hiện thực...”. Chị Hà Thị Huyền (thôn Tân Trào, xã Minh Đài) |
Từ việc đẩy mạnh phát triển các cây, con đặc sản, khiến đời sống của người dân ở đây ngày một nâng lên. Nếu năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 45%, nay chỉ còn gần 20%, trong đó xã điểm NTM Minh Đài chỉ còn 7%.
Đến Minh Đài, ông Dương Văn Khái – Chủ tịch UBND tỏ ra rất hồ hởi khi chúng tôi đề cập đến chương trình xây dựng NTM ở nơi đây: “Cái được mà bà con ai cũng thấy là nhiều tuyến đường làng ngõ xóm đã được đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ, nhiều công trình thủy lợi, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế đã được tu sửa, xây mới khang trang… đời sống của bà con ngày càng tăng lên. Bằng chứng là tỷ lệ hộ nghèo từ 25% năm 2010, xuống còn 7%” – ông Khái chia sẻ.
Để có được kết quả trên, xã đã rất chú trọng đến công tác dân vận, dân chủ. Tất cả các phương án từ quy hoạch, cho đến làm các tuyến đường giao thông, nhà văn hóa thôn… đều được xã đưa ra dân để bàn bạc, nên khi làm có sự đồng thuận rất cao. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, xã đã có hàng trăm hộ hiến đất với hơn 11.000m2, nhiều hộ hiến cả nghìn m2 đất thổ cư như hộ ông Đinh Viết Cảnh, Đinh Văn Hải ở thôn Tân Trào…
Chọn y tế, giáo dục làm nòng cốt
Ông Khuyến cho biết, trước đây phần vì huyện nghèo, phần vì chưa được quan tâm đúng mức, nên công tác y tế, khám chữa bệnh của bà con còn gặp rất nhiều khó khăn. Một số xã vùng sâu vùng xa, người dân nhiều khi ốm đau phải đi cả ngày đường mới tới bệnh viện huyện, đó là chưa kể những ca nặng phải chuyển lên tuyến trên, nên rất nguy hiểm.
Vì vậy, khi xây dựng NTM, Tân Sơn đã rất chú trọng đến việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống các trạm y tế xã và Bệnh viện Đa khoa huyện, nhằm đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, hạn chế tối đa những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. Hiện tất cả 16/16 xã đã được nâng cấp và xây mới trạm y tế xã, mỗi trạm có ít nhất một bác sĩ, nhằm đảm bảo công tác khám, chữa bệnh tại chỗ cho bà con.
Anh Bùi Văn Toàn ở xã Minh Đài cho biết, từ khi xây dựng NTM, trạm y tế xã được nâng cấp, nên việc khám chữa bệnh cho bà con ngày càng tốt hơn, Bệnh viện Đa khoa huyện thì ngày càng được đầu từ khang trang, hiện đại: “Trước đây đa số bà con sinh đẻ ở nhà, nhưng nay hễ sản phụ đau bụng là đưa đi Trạm Y tế xã ngay ” – anh Toàn chia sẻ.