Dân Việt

Bò sữa giống chết hàng loạt ở Hà Nam: Sẽ hỗ trợ để dân không bị thiệt

Việt Tùng (thực hiện) 04/03/2016 07:05 GMT+7
Như Dân Việt đã thông tin, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm nuôi bò sữa của miền Bắc với khoảng 15.000 con bò vào năm 2020. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, tại đây đã xảy ra hiện tượng một số bò sữa giống bị chết hoặc sảy thai, nghi nguồn bò kém chất lượng…

Về việc này, phóng viên Dân Việt đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Đông - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.

Hà Nam đang đẩy mạnh phát triển đàn bò sữa. Tuy nhiên, vừa qua việc nhập bò kém chất lượng đã dẫn đến mấy chục con bò bị chết và sảy thai hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người dân, ảnh hưởng đến Đề án của tỉnh. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Đúng như vậy, kế hoạch của tỉnh là đến năm 2020 sẽ có khoảng 15.000 con bò sữa, hiện mới có khoảng 3.000 con. Như vậy trong 5 năm tới, ngoài tận dụng nguồn bò đẻ ra, tỉnh sẽ cần một lượng bò giống rất lớn.

Để có nguồn bò, hồi năm 2015, tỉnh đã cử một đoàn gồm đại diện Sở NNPTNT, Chủ tịch UBND các huyện Duy Tiên và Lý Nhân và một công ty tư nhân sang Úc để tìm hiểu nguồn giống bò để nhập về đáp ứng nhu cầu của bà con.

Theo đó, Công ty CP Phát triển bò sữa Hà Nam (Công ty Bò sữa Hà Nam) đã được tỉnh giao nuôi tân đáo và đơn vị này đã nhập 218 con bò từ Úc về để bán lại cho bà con. Sau khi nhập bò về, nuôi cách ly một tháng cũng đã có một số con đẻ và hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi giao cho người dân thì có gần 20 con bị chết, sảy thai. Ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã chỉ đạo Sở NNPTNT và Công ty Bò sữa Hà Nam tìm hiểu nguyên nhân, gửi mẫu đi xét nghiệm. Kết quả, một số con bò đã bị mắc một loại virus gây chết và sảy thai.

img

Người dân xã Mộc Bắc (huyện Duy Tiên, Hà Nam) chăm sóc đàn bò sữa.    ảnh:Việt Tùng

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, do công ty được giao nuôi bò tân đáo mới thành lập chưa có kinh nghiệm, nên việc nhập bò cũng như nuôi cách ly không đảm bảo dẫn đến bò chết, sảy thai. Vậy ai là người chịu trách nhiệm trong sự việc này?

Nhiều địa phương phát triển ồ ạt đàn bò, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng. Tỉnh sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?

- Đúng như vậy, nếu không có quy hoạch, lộ trình, phát triển mạnh chăn nuôi sẽ phải đối mặt với ô nhiễm. Trước mắt, chúng tôi sẽ dùng nguồn phân bò này để phát triển trồng trọt thay cho phân vô cơ. Về lâu dài sẽ tiến hành xây hầm biogas và các biện pháp khử mùi khác.

- Đây là rủi ro, nên tỉnh và công ty sẽ hỗ trợ một phần giá trị con bò cho các hộ có bò chết. Còn bò sảy thai, theo tôi đó là điều bình thường. Nói công ty mới thành lập chưa có kinh nghiệm là không phải, không có kinh nghiệm làm sao họ dám nhập cả trăm con bò về. Họ đủ năng lực, kinh nghiệm thì mới dám làm việc này.

Vậy tỉnh và công ty sẽ hỗ trợ người dân bao nhiêu tiền cho mỗi con bò bị chết?

- Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với công ty để thống nhất, hiện chưa có mức cụ thể. Nhưng chắc chắn sẽ không để người dân quá chịu thiệt.

Trước đây có một công ty khác đăng ký nuôi tân đáo và tỉnh cũng đã đồng ý. Nhưng đột nhiên, tỉnh lại “cắt” và đẩy sang cho Công ty Bò sữa Hà Nam thực hiện việc này. Có thông tin cho rằng, ông Lưu Trần Cường – Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển bò sữa Hà Nam có mối thân quen và công ty này là “sân sau” của một số lãnh đạo tỉnh, nên mới được nhận nuôi tân đáo. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Đúng là trước đây, tỉnh đã giao cho ông Trần Đức Năm ở huyện Lý Nhân nuôi, nhưng ông này không đủ năng lực, do đang nợ ngân hàng nhiều tiền. Hơn nữa, phía Úc họ yêu cầu chuyển tiền trước khi nhận bò, chúng tôi cũng đã nhờ ngân hàng giải ngân cho ông Năm, nhưng ngân hàng không đồng ý, nên chúng tôi phải tìm công ty khác. Chúng tôi biết rất nhiều công ty, chứ không riêng gì công ty bò sữa, đang lúc khó khăn, có doanh nghiệp họ đứng ra làm việc này cho đã là tốt, chứ “sân sau” gì mấy con bò này.

Theo quy định, đơn vị được giao nuôi bò tân đáo phải có kinh nghiệm, bề dày trong lĩnh vực chăn nuôi. Tuy nhiên, Công ty CP Phát triển bò sữa Hà Nam mới chỉ thành lập cách đây vài tháng,  điều này có gì bất thường, thưa ông?.

- Chúng tôi không biết quy định này, tôi sẽ xem xét lại các quy định của Nhà nước. Nhưng như tôi đã nói ở trên, công ty họ có đủ năng lực, kinh nghiệm họ mới dám làm, chứ chẳng ai dại bỏ ra một đống tiền lớn như vậy.

Chúng tôi cũng được người dân phản ảnh rằng, số bò mà công ty bò sữa nhập về rồi bán cho bà con không phải là bò nhập trực tiếp từ Úc, mà công ty này đã mua lại những con bò kém chất lượng của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)?

- Tôi khẳng định không có chuyện công ty bò sữa mua lại bò thải loại của HAGL, bởi bò được chuyển từ máy bay về và nhận tại sân bay Nội Bài rồi mới đưa về trại nuôi tân đáo.

Hôm nhận bò ở sân bay Nội Bài, ông có mặt không?

- Hôm đó tôi không đi, nhưng có lãnh đạo Sở NNPTNT đi nhận. Nhưng tôi khẳng định là không có chuyện nhập bò của HAGL. Nếu nhập bò HAGL chúng tôi mất công sang Úc làm gì?!

Trong những năm tới, Hà Nam sẽ phải nhập thêm rất nhiều bò giống. Với sự việc trên, tỉnh có tiếp tục giao cho Công ty CP Phát triển bò sữa Hà Nam nuôi tân đáo?

- Trước mắt chúng tôi sẽ tiếp tục giao cho công ty CP Phát triển bò sữa Hà Nam nuôi tân đáo, nếu họ tiếp tục nhận. Còn không, chúng tôi sẽ tìm công ty, đơn vị khác. Về nguồn bò, tùy theo nhu cầu của người dân chúng tôi sẽ có quyết định tiếp tục nhập bò Úc hay lấy từ các vùng có đàn bò lớn như Mộc Châu, Ba Vì, Đồng Nai…

Xin cảm ơn ông!