Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu rõ như trên tại hội nghị trực tuyến tổng kết đợt cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm trước và sau Tết Nguyên đán diễn ra ngày 3.3.
Tận dụng đường dây nóng
Đợt cao điểm hành động Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra từ tháng 10.2015 đến tháng 2.2016. Sau đợt “ra quân” này, nhiều vụ vi phạm VSATTP đã được bóc gỡ, xử lý.
Cụ thể, theo Thanh tra Bộ NNPTNT, cơ quan này đã chủ trì thành lập nhiều đoàn, thiết lập cơ chế đường dây nóng để thu thập thông tin từ quần chúng nhân dân và phối hợp với C49 - Bộ Công an kiểm tra đột xuất, thanh tra, điều tra, xử lý các công ty vi phạm. Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý 13 công ty, trong đó tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng hình phạt bổ sung đối với 11 công ty, đã công khai tất cả các công ty vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cơ quan chức năng phát hiện và xử lý vụ vi phạm trong sử dụng chất cấm chăn nuôi tại Công ty Trường Phú (Hải Dương). ảnh:Thanh Xuân
Ông Nguyễn Văn Việt- Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT cho biết: “Các địa phương đã tích cực triển khai kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi. Đơn cử PC49 tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, bắt giữ 6 tấn thức ăn chăn nuôi của Công ty Thiên Nam, phát hiện chất Salbutamol trong cám với hàm lượng cao hơn ngưỡng cho phép 63 lần; PC49 và Thanh tra Sở NNPTNT Điện Biên đã kiểm tra một cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phát hiện 30 gói bột màu trắng loại 1kg phát hiện Salbutamol có hàm lượng cao…”.
Theo kết quả phân tích, có 834/5.433 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật; 397/5.048 mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm vượt giới hạn cho phép. |
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, “sáng kiến lập đường dây nóng” để phát hiện các vụ việc vi phạm VSATTP trong nông nghiệp là rất tốt và quan trọng. Do đó, cần làm tốt đường dây nóng, cần dựa vào nhân dân vì họ biết hết mọi việc, biết ai làm ăn gian dối ai làm ăn chân chính, ai sử dụng chất cấm ai không. “Tôi đề nghị các phòng ban liên quan rà soát lại các thông tin mà nhân dân cung cấp qua đường dây nóng, kiểm tra các địa phương tiếp nhận và xử lý như thế nào. Sau đó kịp thời có hình thức khen thưởng người dân cung cấp thông tin chính xác”- ông Phát nói.
Triệt chất cấm trong 4 tháng
Trong đợt kiểm tra cao điểm, lực lượng Thanh tra Bộ NNPTNT cùng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (C49) – Bộ Công an đã phối hợp vận dụng nhiều kỹ năng nghiệp vụ nên đã thu thập được rất nhiều mẫu rau, củ, quả, thịt, cá để phục vụ cho công tác phân tích.
Tố giác dùng chất cấm chăn nuôi được thưởng 5 triệu đồng: Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện các hành vi nêu trên, có thể liên hệ qua đường dây nóng theo số điện thoại: (08)042526 hoặc 0917.808.113. Ngoài ra, nhân dân cũng có thể liên hệ trực tiếp với Thanh tra Bộ NNPTNT theo địa chỉ: Tầng 3, nhà B6, số 2 phố Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội. Các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin chính xác, có giá trị phục vụ cho công tác thanh tra, xử lý vi phạm sẽ được thưởng theo quy định, mức tối đa là 5 triệu đồng. |
Theo ông Nguyễn Văn Việt, chỉ có tiến hành các đợt kiểm tra đột xuất thì mới có thể phát hiện được các vụ việc vi phạm. Thanh tra Bộ NNPTNT phối hợp C49 Bộ Công an tiến hành cử trinh sát thường xuyên bám sát địa bàn, lấy mẫu khảo sát bí mật trên thị trường đối với các công ty doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Kết quả trinh sát đã phát hiện nhiều vi phạm ở nhiều tỉnh thành.
Ông Phùng Hữu Hào- Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, thời gian qua, cơ quan này đã phát hiện có 326/6.166 mẫu rau quả, trái cây nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép; 106/5.433 mẫu thịt và sản phẩm thịt chế biến vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép. Các mẫu này được lấy, phân tích tổng hợp từ đầu năm 2015 đến tháng 2.2016”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, nhân dân hiện nay đang hoang mang lúng túng trong việc sử dụng thực phẩm, họ lo lắng không biết thực phẩm mua về được lấy ở đâu, có an toàn không, có sạch không. Nhiệm vụ của chúng ta là phải bắt tay hành động quyết liệt để chỉ ra cho người tiêu dùng biết dùng thịt cá, rau củ quả ở đâu là an toàn.
“Mục tiêu trong 4 tháng tới xử lý triệt để việc sử dụng chất cấm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, xử lý căn bản tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Cùng với việc thanh tra đột xuất các vật tư đầu vào, cần tăng cường kiểm tra hàng buôn lậu qua biên giới”- ông Phát yêu cầu.
Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc sở NNPTNT TP.Hồ Chí Minh: Người dân báo tin về an toàn thực phẩm rất đúng “Mấy tháng qua, sở đã nhận được hơn 20 tin nóng từ nhân dân, những thông tin này rất đúng, sự tham gia của nhân dân rất tích cực, đã hỗ trợ cơ quan chức năng phát hiện nhanh và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Từ đó, công tác kiểm tra, giám sát được phối hợp ngày càng đồng bộ, linh hoạt hơn, có trọng tâm, trọng điểm”. Ông Trần Xuân Việt – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội: Phải làm quyết liệt từ cửa ngõ biên giới Cần có sự bổ sung hoàn chỉnh các văn bản cụ thể hơn về cơ chế phối hợp, thực hiện phối hợp giữa các bộ ngành, đồng thời phải có cơ chế thưởng phạt rõ ràng, đơn vị nào không làm tốt thì phạt. Vấn đề chất cấm tới đây cần làm quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn ở các cửa ngõ biên giới trên đất liền và trên biển. An Nhiên (ghi) |