Dân Việt

Vụ phá rừng Sơn Trà: Bí thư Đà Nẵng yêu cầu cách chức "sếp" kiểm lâm

Đình Thiên 03/03/2016 18:52 GMT+7
Chiều 3.3, ông Trần Viết Phương - Phó giám đốc Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng cho hay, liên quan đến vụ phá rừng Sơn Trà, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đã có chỉ đạo cách chức một số lãnh đạo kiểm lâm.

img

Một khoảng rừng Sơn Trà bị đốt phá. (Ảnh: Đình Thiên-TGV)

Theo ông Phương, ông Nguyễn Xuân Anh đã chỉ đạo đơn vị này cách chức ông Trần Văn Thanh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và ông Lê Phước Bảy - Hạt phó. Đồng thời luân chuyển các kiểm lâm viên của đơn vị này đi nơi khác.

Ông Phương cho biết, đợi sau khi Thành ủy Đà Nẵng ra văn bản chính thức thì sở này sẽ tiến hành ra quyết định cách chức 2 lãnh đạo kiểm lâm trên.

Thông tin từ Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Giám đốc Sở NNPTNT và Phó giám đốc sở này phụ trách lâm nghiệp cũng bị Thường trực Thành ủy phê bình nghiêm khắc. Ngoài ra, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cũng bị kỷ luật với hình thức khiển trách. Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm của ông Trần Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP, được biết,  sau khi đoàn thanh tra của TP thanh tra xong toàn bộ vụ việc thì mới có quyết định xử lý kỷ luật ông này.

Trước đó như Dân Việt đã thông tin, hàng chục người vào rừng dựng lán trại và phá rừng cả tháng mà cán bộ quản lý bán đảo Sơn Trà, lực lượng Kiểm lâm TP.Đà Nẵng hoàn toàn không hề hay biết cho đến khi người dân phản ánh qua Facebook, khiến hơn 2,3ha rừng Sơn Trà đã bị xâm hại.

Điều đáng nói nơi đây là Khu bảo tồn thiên nhiên với hệ thống rừng nguyên sinh gồm 298 loài thực vật và có hơn 100 loài động vật với hàng chục loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ cần bảo tồn của thế giới, như gà tiền mặt đỏ, trăn gấm, thủy sinh; trong đó đặc biệt có loài voọc chà vá thuộc nhóm động vật rừng nguy cấp, quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam, được ưu tiên bảo vệ được theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Loài voọc chà vá chân nâu là loài linh trưởng đặc hữu của Đông Dương. Với bộ lông 5 màu nổi bật, loài này được mệnh danh là "nữ hoàng" trong thế giới các loài linh trưởng. Hiện nay, tại khu bảo tồn bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) chỉ còn có khoảng 300 cá thể chiếm 50% số lượng cá thể loài này còn tồn tại trên thế giới.