Dân Việt

Sẽ dừng XKLĐ ở tỉnh có nhiều lao động bỏ trốn?

Minh Nguyệt 04/03/2016 06:40 GMT+7
Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động, tháng 4.2016, Hiệp định lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ hết hiệu lực. Phía bạn ra điều kiện để đàm phán tiếp là Việt Nam phải giảm số lao động bỏ trốn xuống dưới 30%, sau đó có lộ trình giảm dần hàng năm. Điều này có nghĩa, nếu hết tháng 3 này Việt Nam không giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn sẽ rất khó để nối lại Hiệp định với bạn.

Mặc dù đã đặt ra hàng loạt giải pháp thực hiện giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn, tuy nhiên hiệu quả từ các giải pháp này chưa được như mong đợi. Ông Tống Hải Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước thừa nhận: Tỷ lệ lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc tuy có giảm, nhưng chậm. Điều này sẽ gây khó khăn cho quá trình đàm phán để ký lại thỏa thuận hợp tác hai bên.

img

Lao động được học định hướng trước khi đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Ảnh: M.N

Ông Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam thì kiến nghị: “Cần triển khai đồng bộ ba giải pháp, một là tăng cường công tác quản lý hoạt động xuất khẩu lao động, hai là tuyên truyền, phổ biến ý thức kỷ luật, đào tạo kỹ năng cho người lao động và chấn chỉnh hoạt động lộn xộn, ăn xổi của các doanh nghiệp. Thứ ba là thực hiện công tác tuyển chọn và đào tạo lao động một cách bài bản để không chỉ tăng về số lượng, mà còn phải nâng cao chất lượng nguồn lao động đi xuất khẩu”.

Cũng theo thông tin từ Cục này, Bộ LĐTBXH đang dự kiến trình Chính phủ xem xét việc hạn chế hoặc dừng tiếp nhận đưa lao động thuộc những tỉnh có tỷ lệ lao động bỏ trốn quá cao mà không có giải pháp giảm tỷ lệ này, nếu thỏa thuận hợp tác lao động giữa Việt Nam – Hàn Quốc được nối lại.

“Hiện nay, phía Hàn Quốc đã ra quyết định xử phạt, Đại sứ quán Việt Nam cũng đã ký quyết định xử phạt hơn 1.200 lao động Việt Nam bỏ trốn, các quyết định này cũng đã được gửi về Việt Nam và chuyển về phía gia đình lao động bỏ trốn. Tuy nhiên, chưa cưỡng chế được vụ nào vì gia đình không chịu nộp” - bà Trần Thị Vân Hà – Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết.