Ít năm trước, khi Angelina Jolie và Brad Pitt chở nhau bằng xe máy phân khối lớn chạy loang loáng trên đường phố Sài Gòn, có người đã bầu bức ảnh ghi lại cảnh này là “ảnh du lịch đẹp nhất trong năm”.
Hiện tại, với Quảng Bình và Ninh Bình làm bối cảnh phim "Kong: Đảo đầu lâu", chúng ta cũng đang có trong tay những bức ảnh du lịch cực giá trị. Ngoài thành quả phóng viên chộp được còn có những bức ảnh do các thành viên trong đoàn phim đăng tải trên các trang mạng xã hội. Báo chí cũng nhanh nhảu lấy lại rồi phát tán, có ghi rõ nguồn.
Ngôi sao Samuel Jackson (trái) và Đại sứ Mỹ Ted Osius tại phim trường “Kong: Đảo đầu lâu”, Ninh Bình. Ảnh: FB của Đại sứ.
Vào năm 2012, phim "Thiên mệnh anh hùng" của Victor Vũ nội dung không có gì nhưng một số cảnh quay ở Ninh Bình có thể gây sửng sốt ngay cả cho những người biết rõ nơi đây. Cho nên, không ngạc nhiên khi Ninh Bình được đoàn làm phim "Kong: Đảo đầu lâu" chọn, hẳn tiếng lành đã đồn xa lâu rồi. Sắp tới, những bức ảnh du lịch đẹp nhất cũng đang chờ đợi chúng ta từ phim trường Kong ở Hạ Long. Mạng xã hội giờ lớn mạnh hẳn so với thời điểm cặp Brangelina sang đây, nếu vẻ đẹp Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn, không chịu lan tỏa thì mới gọi là lạ.
Nhớ lại, năm 2000, vài buổi lên phố Hàng Mã xem quay phim "Người Mỹ trầm lặng", nhận ra nghề làm phim cũng có độ đơn điệu của nó khi cứ quay đi quay lại một cảnh, ví dụ cảnh có “người đẹp” Quang Hải (“Chuyện của Pao”) trong vai tướng Trịnh Minh Thế diễu hành trên đường phố, quay bao lượt mới xong. Tuy nhiên lần đầu tiên biết thế nào là công nghệ làm phim của Mỹ. Từ những cái ghế đề tên từng người trong đoàn phim để khỏi ngồi lộn ghế của nhau trở đi. Sự trân trọng của đoàn phim dành cho những gương mặt lạ hoắc vừa chạm ngõ làng điện ảnh như Mai Hoa, Đỗ Hải Yến...
Nhìn dãy ô tô trọng tải lớn chở công ten nơ đạo cụ đậu dọc phố Phùng Hưng thì cứ gọi là “ngất trên cành quất”, quá hoành tráng.
Choáng nữa là hình ảnh “xừ” Michael Caine diện quần thụng áo thụng bước thong dong phố cổ. Đẹp, lịch lãm, cực nghệ sĩ, dù khi ấy ông đã U70. (Ông là chủ nhân hai giải Oscar trước khi được đề cử Oscar với vai nhà báo Fowler trong Người Mỹ trầm lặng).
Hình ảnh Michael Caine đút tay túi quần dạo gót phố Hàng Mã lúc đó, ấn tượng đến nỗi cứ lởn vởn mãi về sau, khi xem Hiệp sĩ bóng đêm và các phim khác của ông. Hồi đó chưa mấy ai kinh nghiệm chứ chụp lấy ít bộ ghi lại cảnh này, giá trị quảng bá du lịch kém gì ảnh cặp Brangelina trên đường phố Sài Gòn.
Hôm nay, nhìn ảnh ngôi sao mới Brie Larson ở sân bay Nội Bài, diện áo thổ cẩm, bên trong là áo phông in dòng chữ quảng bá du lịch Phong Nha Quảng Bình, hay Samuel Jackson bặm trợn đứng ở cánh đồng Ninh Bình, thấy rằng không chỉ du lịch Việt Nam có cơ hội mà ngược lại, cả họ - những diễn viên Hollywood cũng đang quảng bá hình ảnh mình một cách hiệu quả.
Lại nhớ, năm 2002, buổi họp báo ra mắt phim "Người Mỹ trầm lặng" ở khách sạn Metropole hơi nhạt với những câu hỏi không đâu vào đâu của các phóng viên. Gương mặt anh Brendan Fraser (vai Pyle) thì vừa có nét ngỡ ngàng lại hơi lành lạnh, chắc không quen với bầu không khí buổi họp báo đó. Dường như mọi người chưa chuẩn bị cho sự kiện họp báo một cách xứng đáng trong khi dù gì cũng là bộ phim nổi tiếng với các đại danh Phillip Noyce, Michael Caine... Nội dung phim thì không ngờ, quá thiên tả. Hẳn làm yên lòng hoàn toàn những nhà quản lý văn hóa nhạy cảm nhất.
Nói chuyện nhạy cảm. Đồn rằng Việt Nam trước đó nổi tiếng là “nước duy nhất từ chối James Bond”. Tương truyền, năm 1995 thời điểm Mỹ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ, tập phim 007 tựa Ngày mai không bao giờ chết dự định quay ba tuần ở TPHCM và Hạ Long với các ngôi sao Pierce Brosnan, Dương Tử Quỳnh...
Đoàn phim đã đến Việt Nam khảo sát và lên kế hoạch, đến phút chót bị từ chối thẳng thừng khiến cả đoàn bị sốc. Nhất là nội dung phim chẳng có gì “nhạy cảm”. Còn nhiều giai thoại nữa về chuyện các đoàn làm phim Hollywood bị lót tay lá chuối ra sao ở Việt Nam. (Ngay "Người Mỹ trầm lặng" cũng không phải phim Hollywood). Xem những phim như "Chào Việt Nam" với Robin Williams, "Trời và đất" với Tommy Lee Jones đóng chính..., đều quay ở Thái Lan, vai nữ chính người Việt (phim Chào Việt Nam) cũng do người Thái Lan đóng, cảm giác vừa tức anh ách vừa tiếc hùi hụi.
"Kong - Đảo đầu lâu" chưa chắc làm hài lòng khán giả khó tính. Tuy nhiên, Quảng Bình, Ninh Bình, Hạ Long chắc chắn đẹp mới mẻ trong phim. Nghe nói chính quyền Quảng Bình dự định giữ lại phim trường "Kong: Đảo đầu lâu" làm điểm nhấn du lịch còn người dân thì muốn đặt tên phim cho con đường vừa được đoàn phim nâng cấp để phục vụ bộ phim.
Có nghĩa là đã biết làm du lịch lắm rồi chứ không phải như thời xa xưa ấy...