Là ngân hàng tham gia vào Chương trình cho vay tái canh cây cà phê tích cực nhất, nhưng thực tế cho thấy, việc triển khai đồng vốn của Agribank hiện còn nhiều vướng mắc. Ông có thể cho biết thêm về điều này?
Nông dân Đăk Lăk thu hoạch cà phê. ảnh:T.L
- Bộ NNPTNT, các cơ quan chức năng liên quan đều công bố diện tích cà phê cần tái canh cả nước từ 140.000 – 160.000ha. Tuy nhiên theo chúng tôi được biết, đến nay chưa có bất kỳ cơ quan chức năng có trách nhiệm nào thực hiện khảo sát và đưa ra con số cụ thể về các doanh nghiệp, người dân có nhu cầu tái canh và nhu cầu vay vốn để tái canh? Phần lớn hộ trồng cà phê đã thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng nên không còn tài sản bảo đảm để thế chấp vay vốn tái canh cà phê; các hộ dân tộc, vùng sâu, xa thì không có hoặc không đủ vốn tự có tham gia vào dự án theo quy định. Về phía doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng cà phê thì khả năng tài chính yếu (vốn tự có nhỏ, không có tài sản bảo đảm tiền vay), hoạt động bằng vốn vay là chính, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất – thu mua, chế biến – xuất khẩu...
Nhiều nông dân phản ánh hầu hết đất trồng cà phê chưa được cấp sổ đỏ nên không có tài sản thế chấp, ngoài ra còn có lý do nào khác khiến Agribank khó giải ngân?
Sau 2,5 năm triển khai, đến 31.1. 2016, dư nợ cho vay tái canh cà phê của Agribank đã đạt 745 tỷ đồng (với 6.292 khách hàng), chiếm 5,2% dư nợ cho vay ngành cà phê và chiếm gần 0,2% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn. |
- Cây cà phê cần tái canh thường trên 20 năm tuổi, như vậy tức là nông dân đã sử dụng đất đó ổn định trên 20 năm. Việc cấp sổ đỏ để người dân yên tâm sản xuất và có thể sử dụng làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng cần được cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Tuy nhiên theo chúng tôi, khó khăn nhất trong thực hiện tái canh chính là tuân thủ quy trình theo Quyết định số 273 của Bộ NNPTNT, quy định “Thời gian luân canh ít nhất 2 năm sau khi nhổ bỏ cà phê”. Khó khăn thứ hai là Bộ NNPTNT chưa có hướng dẫn quy trình kỹ thuật đối với tái canh xen kẽ vườn cà phê hoặc tái canh cuốn chiếu, trong khi người dân hiện chủ yếu tái canh theo hình thức này.
Việc tái canh cần vốn lớn (trên 200 triệu đồng/ha/3 năm đầu) nhưng tài sản trên đất của nông dân (như nhà cửa, vườn cà phê) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, dẫn đến việc xác định giá trị tài sản bảo đảm và thực hiện hợp đồng thế chấp rất khó khăn. Giá chuyển nhượng vườn cà phê thực tế rất cao nhưng khi xác định giá để thế chấp thì chỉ được tính theo giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh công bố hàng năm; người dân mua vật tư hay cây giống thường không có hóa đơn VAT cũng gây khó khăn trong vệc giải ngân.
Một vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian qua là do thiếu quy hoạch và kế hoạch cụ thể cho tái canh cà phê nên chưa đủ cơ sở để đáp ứng vốn cho người dân?
- Theo Đề án tái canh cà phê của Bộ NNPTNT chỉ những diện tích nằm trong diện quy hoạch mới được hỗ trợ tín dụng, tuy nhiên thực tế hiện nay mới có Đăk Lăk, Lâm Đồng công bố quy hoạch chi tiết. Các hộ gia đình, cá nhân còn gặp khó khăn trong việc xác nhận diện tích cà phê nằm trong vùng quy hoạch tái canh của địa phương.
Để Chương trình tái canh cà phê thành công, theo ông cần có giải pháp gì?
- Chúng tôi có thể khẳng định vốn cho vay tái canh không còn là vấn đề mà quan trọng hơn là cơ chế chính sách của cơ quan Nhà nước từ T.Ư đến địa phương, làm sao có đủ sức hút để người dân và doanh nghiệp quan tâm đến Chương trình và thực sự muốn tái canh vườn cà phê của họ.
Đề xuất của Agribank là các cấp, các ngành cần sớm tháo gỡ những vướng mắc nêu trên và có chính sách hỗ trợ về kỹ thuật cho người tái canh cà phê.
Xin cảm ơn ông!