Ảnh minh họa.
Cuộc khảo sát trên vừa được tiến hành bởi Babytree.com - mạng xã hội dành riêng cho các bậc cha mẹ lớn nhất ở Trung Quốc sau khi luật chống bạo lực gia đình ở nước này bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu tuần này.
Kết quả khảo sát cho thấy, ở một số tỉnh, phụ nữ thừa nhận là người bạo hành trong gia đình nhiều hơn đàn ông. Chẳng hạn tại tỉnh Quý Châu, gần 70% phụ nữ được hỏi thừa nhận họ bạo hành chồng bằng lời nói, "chiến tranh lạnh" lẫn bạo lực.
Trong khi đó, chỉ 52% đàn ông thừa nhận họ có những hành vi bạo hành vợ.
Cuộc khảo sát được tiến hành trên 2.500 đàn ông và phụ nữ, trong đó, gần một nửa số này ở độ tuổi 25 - 30 tuổi. Gần 60% có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học.
Trong khi đó, ông Shu Xin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn hôn nhân và gia đình Trung Quốc cảnh báo rằng, kể từ năm 2012, trung tâm này đã bắt đầu tiếp nhận các trường hợp vợ bạo hành, bắt nạt chồng và tỷ lệ những vụ việc như vậy ngày càng gia tăng.
Theo ông Shu, lý do chính dẫn đến tình trạng này là bởi phụ nữ Trung Quốc, đặc biệt là ở các thành phố lớn, ngày càng độc lập về kinh tế và trong nhiều gia đình, người vợ trở thành trụ cột gia đình, chiếm "thế thượng phong" so với chồng.
Trong một trường hợp, mới đây, một người đàn ông 48 tuổi đã đệ đơn kiện người vợ kém mình 5 tuổi lên Tòa án Thượng Hải vì bị vợ bạo hành liên tục. Ông yêu cầu được ly hôn với người vợ và được quyền nuôi đứa con trai 1 tuổi.
Trong đơn kiện, người đàn ông tố cáo, ông bị trật khớp ở tay và những vết bầm tím trên người là do bị vợ bạo hành nhiều lần.
"Ngoài ra, người chồng còn tố cáo, vợ thường sỉ nhục mình bằng những lời mạt sát, thoá mạ", Wang Zhiguo, quan chức tòa án cho hay.
Bình luận về nạn bạo lực trong gia đình ở Trung Quốc, Giáo sư Xã hội học Zhu Meihua nói: "Một số hành vi, như chiến tranh lạnh, xét trên khía cạnh pháp luật, không phải là các hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, những hành vi như vậy vẫn gây ra nỗi đau khổ về mặt tinh thần và nếu xảy ra trong một thời gian dài có thể dẫn đến đổ vỡ hôn nhân".