Một nhân chứng cho hay, khoảng 13h cùng ngày, nhóm ba thanh niên đến nhà riêng của ông Trần Văn Hải, trưởng bến thuyền ở khu vực Đền Độc Cước (phía Đông đường Hồ Xuân Hương) nhằm yêu cầu gia đình ông Hải ký vào văn bản cam kết di dời bến thuyền. Ông Hải lúc này không có nhà nên vợ ông là bà Văn Thị Thắng ra tiếp chuyện. Sau ít phút trao đổi, bất ngờ nữ chủ nhà bị nhóm này đánh đập dữ dội và có tiếng súng nổ tại đây.
Hàng trăm người dân tập trung trước cổng công an phường Trường Sơn yêu cầu gải thích việc bà Thắng bị hành hung chiều 5.3.
“Tôi đang ngủ thì nghe tiếng súng nổ, mọi người bật dậy chạy sang thì thấy bà Thắng ngất xỉu, mặt mũi sưng vù, có cả máu chảy nên chúng tôi tức tốc gọi xe đưa bà đi cấp cứu”, bà Hà Thị Hợp, một hàng xóm nói. Bà Hợp cho hay, một thanh niên cầm súng còn đe dọa “ai vào sẽ bắn”. Khi thấy đông người dân kéo đến, nhóm người lạ lên xe máy bỏ đi.
Người dân địa phương cho rằng bà Thắng bị hành hung có liên quan đến việc ngư dân phản đối dự án quy hoạch không gian du lịch ven biển Sầm Sơn nên sau đó kéo đến trụ sở công an phường yêu cầu làm rõ kẻ côn đồ.
Khoảng 17h cùng ngày, người dân ồ ạt di chuyển về trụ sở UBND thị xã Sầm Sơn, tuyến đường Lê Lợi hiện tê liệt
Hàng chục cảnh sát và lực lượng quân sự đã được huy động để đảm bảo an ninh và vãn hồi trật tự. Mặc dù đại diện nhà chức trách nỗ lực giải thích, thuyết phục nhưng người dân không chịu giải tán. Khoảng 15h, một số người ra giữa đường Lê Lợi tiếp tục ngồi la ó. Do đây là tuyến phố huyết mạch dẫn ra bờ biển nên giao thông ngưng trệ suốt nhiều giờ, cảnh sát giao thông phải phân luồng phương tiện di chuyển theo hướng khác.
Gần 17h, người dân tiếp tục di chuyển về phía trụ sở UBND thị xã Sầm Sơn (cũng nằm trên trục đường Lê Lợi). Ít phút sau, cánh cổng cơ quan này được lệnh đóng lại, người dân chỉ đứng ở phía ngoài hàng rào và lòng đường tiếp tục phản ứng giận dữ.
Căn nhà bà Thắng, nơi người dân nói có nghe tiếng súng nổ
Trao đổi với VnExpress, ông Trịnh Huy Triều, Bí thư thị xã Sầm Sơn cho hay, đang ở Tỉnh ủy phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết vụ việc và không có mặt ở công sở.
Tối 5.3, đại tá Lê Trung Hiếu, Trưởng phòng Tham mưu (Công an tỉnh Thanh Hóa) khẳng định, không có chuyện người dân bị thương hay tử vong do trúng đạn tại Sầm Sơn như người dân phản ánh. "Hiện tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát của cơ quan chức năng", ông Hiếu nói.
Còn người thân bà Thắng cho hay, nạn nhân bị đa chấn thương vùng đầu, mặt, đang được cấp cứu ở Bệnh viện 103.
Hơn tuần nay, người dân ở các phường Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn và xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn) kéo về trước trụ sở UBND tỉnh và Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu chính quyền có phương án hỗ trợ phù hợp khi thu hồi đất ven biển và dành một phần đất dọc khu vực neo đậu tàu thuyền cũ phía Đông đường Hồ Xuân Hương để bà con tiếp tục ra khơi. Dải bờ biển này đã được chính quyền tỉnh thu hồi giao cho Tập đoàn FLC cải tạo, nâng cấp phục vụ du lịch.
>> XEM THÊM: Phía sau sự hào nhoáng của FLC
Dù ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích ngư dân chuyển đổi ngành nghề, nhưng trước yêu cầu bức thiết về việc để lại một phần bờ biển làm bến neo đậu thuyền bè cho bà con, chính quyền tỉnh Thanh Hóa và nhà đầu tư vẫn chưa có ý kiến thống nhất khiến người dân vẫn tụ tập phản đối.
Trong các ngày 3-4.3, hàng trăm người còn tràn xuống đường nằm, ngồi la liệt trên các con phố ở trung tâm TP Thanh Hóa khiến giao thông tê liệt. Các tuyến đường Hà Văn Mao, đoạn qua cổng Tỉnh ủy Thanh Hóa, đường Lê Hồng Phong, đại lộ Lê Lợi, đoạn trước cổng UBND tỉnh vẫn được phong tỏa nghiêm ngặt. Xe cứu hỏa, cứu thương túc trực, cả trăm cảnh sát và dân quân tự vệ được huy động để đảm bảo an ninh trật tự.
Xe buýt có lộ trình đi từ hướng thị xã Sầm Sơn về thành phố đều bị yêu cầu dừng hoạt động. Hệ thống loa chính quyền phát đi thông báo yêu cầu người dân giải tán, nhưng một số người vẫn tụ tập. Công an Thanh Hóa đã khởi tố vụ án Gây rối trật tự công cộng để điều tra.