Anh Ngọc chăm sóc thanh long.
Tốt nghiệp đại học, Ngọc quyết định về quê (phường Lĩnh Nam) làm nông dân. Đất đai quê anh chủ yếu là đất pha cát, thuận lợi cho trồng cây ăn quả, anh Ngọc quyết định đầu tư trồng cam, quất cảnh và đu đủ. Anh về Hưng Yên mua giống, rồi đến các trang trại trồng cây ăn quả có tiếng ở Văn Giang (Hưng Yên), Nam Định để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây.
Sau nhiều năm làm, anh rút ra kinh nghiệm: Trồng quất cần nhiều ánh sáng, tưới nước đầy đủ, nhiệt độ chỉ ở 20-24 độ C. Phải phun thuốc trừ sâu và bón phân đúng định kỳ nếu không cây sẽ bị vàng lá rồi rụng hết, chủ yếu là dùng phân NPK, thêm bột ngô và đỗ tương. Cam, quất của anh chủ yếu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. “Để quất ra quả đúng thời điểm tết, tháng 6 -7 âm lịch đã phải kiểm tra xem cây nào phát triển tốt thì xới tung đất lên, phơi nắng nhẹ độ 10 ngày rồi tỉa bớt cành, lá, sau đó trồng lại”- anh Ngọc chia sẻ thêm. Riêng quất, anh trồng 6 sào, mỗi năm bán hơn 200 cây quất cảnh, trừ chi phí lãi gần 150 triệu đồng. Đó là chưa kể lợi nhuận từ 30 cây cam Canh.
Gần đây, anh Ngọc trồng 600 gốc thanh long. Anh tâm sự: “Ban đầu tôi lo lắm, nhưng thấy ở địa phương chưa có ai trồng thanh long nên tôi thử trồng, vừa tận dụng đất, vừa đa dạng hóa sản phẩm”. Tháng 1.2013, anh đầu tư 200 triệu đồng xây trụ, lên Suối Hai, Ba Vì, Hà Nội và Hòa Bình mua cây giống. “Trước khi trồng, tôi lên Suối Hai học kỹ thuật, kinh nghiệm, và mua tài liệu về đọc. Nhờ vậy, thanh long của gia đình rất tốt, trong năm nay sẽ ra hoa” - anh Ngọc nói.
Trang trại cây ăn trái của gia đình anh không những đem lại nguồn thu nhập từ 100-150 triệu đồng mỗi năm, mà còn tạo việc làm thời vụ cho một số lao động địa phương.
Bà con có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm trồng quất, thanh long... liên hệ với anh Ngọc theo số 0983.813.180.