Dân Việt

Không có điện, không có nông thôn mới

Hoàng Tuyết 08/03/2016 06:00 GMT+7
Từ nay đến năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phấn đấu số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,5%; số xã được cung cấp điện đạt 100%; số xã đạt tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt 95%.

Nỗ lực cho điện nông thôn

5 năm qua, EVN đã đóng góp tích cực trong việc xây dựng NTM. Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí điện năng xếp thứ 4. Tiêu chí này gồm 2 phần: Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện và tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn.

img

EVN sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng đưa điện về những vùng nông thôn chưa có điện.  Ảnh: I.T

Trước năm 2011, kết cấu hạ tầng điện nông thôn nước ta rất sơ sài, cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đến năm 2011 cả nước chỉ có 3.545 xã đạt tiêu chí về điện năng, chiếm 39,1% tổng số xã trên toàn quốc, trong khi đó, mục tiêu phấn đấu của EVN là, đến năm 2015 có 85% số xã đạt tiêu chí về điện năng và đến năm 2020 con số này là 95%.

img

Để thực hiện được mục tiêu này, trong giai đoạn 2011 - 2015, EVN đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu lưới điện trung áp và hạ áp nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển các nghề sản xuất và dịch vụ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

 Có được sự cam kết của Chính phủ Việt Nam, EVN đã tiếp cận và làm việc với các nhà tài trợ quốc tế, đồng thời xây dựng các cơ chế điều hành, tổ chức quản lý và tăng cường nhân lực để đảm nhận vai trò chủ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA cho chương trình điện khí hóa nông thôn Việt Nam như: Dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam (REI) có tổng vốn đầu tư hơn 3.294 tỷ đồng cấp điện cho 976 xã với hơn 550.000 hộ dân; Dự án “Điện khí hóa nông thôn miền Nam” có tổng vốn đầu tư 395 tỷ đồng cấp điện cho 138 xã với 155.000 hộ dân…

Sẽ huy động mọi nguồn lực

Giai đoạn 2016 - 2020, EVN đặt mục tiêu phấn đấu trở thành doanh nghiệp có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, hoạt động hiệu quả, bền vững, giữ vai trò chính đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước, là nòng cốt để ngành công nghiệp điện lực Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, phấn đấu đưa EVN thành 1 trong 4 đơn vị hàng đầu trong các nước ASEAN.

Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An nhấn mạnh: Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển bền vững đều phải hoạt động có hiệu quả. Riêng với điện nông thôn, từ nay đến năm 2020, EVN phấn đấu số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,5%; số xã được cung cấp điện đạt 100%; số xã đạt tiêu chí về điện trong xây dựng NTM đạt 95%. Để đạt được mục tiêu này, EVN sẽ tiếp tục tiến hành cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn hiện có, đầu tư mở rộng đưa điện về những vùng nông thôn chưa có điện. Các đơn vị thành viên của EVN tiếp tục thực hiện nghiêm các dự án điện nông thôn đã và đang triển khai; tiếp tục lập các các dự án mới về đầu tư mới về hệ thống điện nông thôn.

Khó khăn lớn nhất của ngành điện hiện nay là thiếu nguồn vốn đầu tư.  Vì vậy, EVN đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện để các đơn vị điện lực tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn.