Dân Việt

"Ớn lạnh" chuyện nắm tay người chết, sờ quan tài chữa mụn cóc

Mai Thùy 07/03/2016 06:34 GMT+7
Dùng vàng mã trong đám tang, chà tay vào quan tài, thậm chí nắm tay người đã mất… là những mẹo dân gian được nhiều người cho là có thể “đánh bay” mụn cóc. Thực hư việc này thế nào?

Rình người qua đời để…nắm tay!

Đã ngót nghét 20 năm trôi qua, nhưng chị Trần Thị Quyên (ở Hồng Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn không thể quên cảm giác lạnh buốt khi nắm vào bàn tay của người đã mất. Nỗi ám ảnh đó đến bây giờ vẫn xuất hiện mỗi khi chị nhìn thấy vết sẹo mờ do nốt mụn cóc (mụn cơm) để lại.

Chị kể: “Ngày bé, tôi bị mọc rất nhiều mụn cóc ở trên người, đặc biệt là ở hai bàn tay. Tôi thường có thói quen ngồi nghịch những nốt mụn đó, đôi khi còn gãi đến chảy máu do quá ngứa. Bố mẹ đã dùng nhiều loại thuốc bôi cho tôi nhưng không có hiệu quả. Thấy thế, bà nội đã mách mẹ tôi “rình” xem nhà nào có đám tang để đưa tôi đến cầm tay người quá cố. Làm như vậy, mụn cóc sẽ biến mất hoàn toàn(?)”.

img

Các chuyên gia khuyến cáo, mụn cóc là bệnh lành tính nhưng sẽ gây phiền phức nếu không biết xử lý đúng cách. Ảnh minh họa

Chị Quyên cho hay, biết tin trong làng có cụ ông vừa qua đời, chị được mẹ dẫn ngay đến. “Mẹ cầm tay tôi “dúi” vào tay cụ ông, cọ qua, cọ lại vài lần rồi lẩm nhẩm: “Cụ đi cho cháu gửi mấy cái mụn cóc”. Tôi dựng hết tóc gáy, tay run lẩy bẩy, ớn lạnh dọc sống lưng. Chà xong, mẹ dắt tôi đi một mạch ra ngoài và dặn không được ngoảnh đầu trở lại vì sợ "mất thiêng". Phải đến cả tuần sau tôi mới bớt sợ và hoàn hồn trở lại”, chị Quyên kể. Thế nhưng sau cái hôm “nắm tay ông cụ”, chị chờ mãi mà những nốt mụn cóc vẫn còn nguyên. Đến mãi sau này, chị phải đi đốt bằng công nghệ hiện đại mới hết được số mụn cóc trên cơ thể.

Cũng giống như chị Quyên, chị Nguyễn Thúy Hòa (ở Bình Lục, Hà Nam) cũng có nhiều nốt mụn cơm dọc cánh tay và lốm đốm trên bàn tay. Những nốt mụn này khiến chị mất tự tin khi giao tiếp. Nghe mọi người mách, chị cũng đã từng thử rất nhiều mẹo dân gian để chữa mụn nhưng không đem lại kết quả như mong muốn. Như lần chị nhặt vàng mã trong đám tang để chà vào chỗ bị mụn, vừa chà vừa khấn: “Cóc rụng, cóc rụng”. Thế nhưng, chị bảo, mụn cóc thì chưa thấy rụng mà lại ngày một to hơn. Lần khác, chị mua lươn về rồi chặt đuôi, lấy máu bôi vào những nốt mụn cóc trên tay. Cũng như lần “thử nghiệm” trước, những nốt mụn cóc cũng không có dấu hiệu muốn “ẩn” đi đâu cả.

Trong những lần chữa mụn cóc bằng mẹo dân gian, chị Hòa bảo, kinh dị nhất là lần chà tay vào ván thôi (miếng ván quan tài sau khi cải táng). Chị kể: “Các cụ trong làng nói chắc chắn mụn cóc sẽ “bay” hết khi áp dụng cách này nên tôi cũng bán tín, bán nghi làm theo. Đợi gia đình họ cải táng xong, tôi lấy hết dũng khí để lại gần miếng ván thôi, chà phần bị mụn vào đó vài lần, để một lúc rồi rửa lại bằng nước sạch; lau bằng cồn. Không hiểu có phải mẹo này "linh " thực hay không nhưng một thời gian sau, các nốt mụn trên tay tôi đã "bay" từ khi nào tôi cũng chẳng rõ(?!)”.

Giống trường hợp của chị Hòa, anh Nguyễn Bá Chung (ở Hà Đông- Hà Nội) cũng áp dụng cách trên. "Sau lần "lấy hết dũng cảm", chà tay vào mảnh gỗ ván thôi ở nghĩa trang, tôi cũng thắc thỏm không hiểu mẹo kỳ quái này có phát huy tác dụng không? Trước đó, tôi cũng đã áp dụng phương pháp đốt mụn bằng laser nhưng chỉ được một thời gian mụn vẫn mọc lại. Do bận công việc, một thời gian sau, sờ lại, mấy cái mụn "đáng ghét" đã "bay" mất. Quả tình, tôi cũng không rõ ra sao nữa...?", anh Chung bộc bạch.

Không áp dụng máy móc mẹo dân gian

Theo các chuyên gia, mụn cóc là những u nhỏ lành tính, bề mặt thường sần sùi, gây ra bởi virus HPV (Human Papilloma Virus). HPV xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài. Mụn cóc có thể phát triển trong nhiều tháng mới nhìn thấy được. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ mắc ở trẻ em cao hơn vì trẻ hiếu động, thường xuyên làm trầy xước chân tay, hay đi chân không, cắn móng tay, nghịch đất cát, nơi tiềm ẩn nhiều virus HPV.

Mụn cóc dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây qua việc dùng chung vật dụng với người có mụn cóc như khăn lau, giày dép, quần áo. Bệnh cũng có thể tự lây nhiễm trên bản thân người bệnh. Từ một vài mụn cóc lớn ban đầu, chúng lây lan sang những vùng da lân cận hay những vùng da bị tiếp xúc trực tiếp (như cào, gãi, cầm nắm) và tạo ra nhiều mụn nhỏ li ti. Những mụn con này sẽ phát triển rồi tiếp tục lây lan đến các vùng da khác.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, trong dân gian có nhiều phương pháp gọi là mẹo chữa mụn cóc như: Cầm tay người đã mất, chà vàng mã vào tay, hay bôi máu lươn lên vùng bị mụn… Thế nhưng, cho đến nay chưa có cơ sở khoa học cho các phương pháp đó. Lương y Vũ Quốc Trung nhấn mạnh: “Chữa mẹo trong dân gian chủ yếu là các phương pháp truyền miệng, chưa được nghiên cứu, kiểm định. Mặc dù trên thực tế, có khá nhiều bệnh được chữa khỏi từ chính các phương pháp dân gian, tuy nhiên, không thể lấy đó làm căn cứ được. Bởi lẽ, nhiều trường hợp cùng một phương pháp, có thể chữa khỏi bệnh cho người này nhưng lại không mang lại hiệu quả đối với người kia. Nguyên nhân có thể do thực hiện chưa đúng hoặc do cơ địa thích ứng của từng người. Vì thế, không phải mẹo nào cũng có thể áp dụng máy móc theo được”.

Ngoài ra, lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo, mụn cóc là bệnh lành tính nhưng có thể sẽ gây ra những phiền phức nếu người bệnh tự ý điều trị sai cách. Do vậy, người bị mụn cóc không được tự ý can thiệp vào nốt mụn bằng cách dùng dao lam rạch, châm kim… bởi rất dễ gây nhiễm trùng, tăng nguy cơ lây lan diện rộng trên cơ thể.

Chia sẻ về việc điều trị mụn cóc, PGS.TS Nguyễn Duy Hưng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, mụn cóc có thể tái phát sau khi điều trị và có thể trở thành vấn đề dai dẳng. Vì vậy, phải điều trị dứt điểm không chỉ những mụn cóc lớn mà còn phải tiêu diệt mụn nhỏ ngay từ khi có dấu hiệu.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Hưng, để điều trị mụn cóc, có thể sử dụng dung dịch acid salicylic. Đây là thuốc có tác dụng làm tróc mạnh lớp sừng da và sát khuẩn nhẹ khi bôi trên da, thuận tiện khi sử dụng dưới dạng thuốc mỡ, kem, gel, thuốc dán, nước gội đầu hoặc xà phòng… Do thuốc tác dụng rất mạnh trên niêm mạc tiêu hóa và các mô khác nên các chế phẩm của acid salicylic chỉ được dùng ngoài mà không dùng đường uống.

Ngoài ra, một số phương pháp khác cũng được áp dụng phổ biến trong việc chữa mụn cóc là: Chấm nitơ lỏng, đốt điện, tiểu phẫu, đốt bằng liệu pháp laser… Tuy nhiên, tốt nhất người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được các bác sỹ chuyên khoa da liễu khám và tư vấn cách điều trị hợp lý.

Không nên mê tín

Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội), chưa có căn cứ nào chứng minh quan niệm nắm tay người đã mất có thể “đánh bay” mụn cóc. Người bệnh không nên quá tin vào sức mạnh tâm linh nào đó để tránh rơi vào mê tín.

Đối với những trường hợp hết mụn do áp dụng phương pháp trên, có thể do trùng hợp ngẫu nhiên hoặc do mụn tự biến mất do cơ địa của từng người. Vì vậy, nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng vì phương pháp này có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý, nhất là đối với trẻ nhỏ.