Thống kê tại rất nhiều trường THPT sau khi khảo sát đăng ký môn thi cho thấy, số lượng thí sinh đăng ký thi môn Địa lý chiếm áp đảo. Cụ thể, trường THPT Hồng Thái (Đan Phượng – Hà Nội) có 265/446 học sinh chọn Địa; con số này ở trường THPT Phan Đăng Lưu (TP. Hồ Chí Minh) là 212/538 em. Tương tự, khảo sát của Sở GD ĐT Vĩnh Phúc cũng cho thất 45,46% học sinh lớp 12 của tỉnh này chọn thi môn Địa; tại tỉnh Kon Tum con số này là 48%.
Học lực chỉ ở mức trung bình nên em Nguyễn Văn Công (Hạ Hòa – Phú Thọ) năm nay chỉ tham dự kỳ thi THPT quốc gia để lấy điểm xét tốt nghiệp. Công cho biết, em dự kiến chọn môn Địa để dự thi vì thi Địa sẽ tránh được điểm liệt.
Nhiều học sinh chọn môn Địa làm môn thi thứ 4 để xét tốt nghiệp. Ảnh minh họa: Tùng Anh
“Môn Địa là môn dễ học nhất, lại được mang Atlat địa lý vào kiểu gì nhìn Atlat cũng làm được 1 câu hỏi về nhận biết địa hình hoặc khí hậu. Không cần học nhiều cũng có thể thoát được điểm liệt nhờ “bảo bối này” – Công nói.
Công cũng cho biết, tại nhiều bài kiểm tra kiến thức môn Địa lý ở trên lớp, không cần phải bám vào sách giáo khoa, chỉ cần hiểu những ý chính ví dụ như: Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, sông ngòi, dân cư...rồi “chém gió” theo ý hiểu cũng được các thầy cô cho điểm.
Tương tự, em Vũ Thanh Thư – Học sinh trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) cho biết: “Môn Địa lí khác với đặc điểm nhiều môn như Ngữ văn hay Lịch sử, lúc học cũng như lúc thi, chúng em chỉ cần học theo mảng, các mảng tách biệt rất rõ ràng nên dễ nhớ. Yếu tố quan trọng hơn khi chúng em chọn môn Địa lí đó là ăn điểm nhờ Atlat.
Theo cấu trúc đề thi mới của Bộ GD ĐT, có câu Atlat 2 điểm dành cho học sinh thi tốt nghiệp, chỉ cần nhìn chú thích trang đầu tiên và câu trả lời ở trang tương ứng với đề thi, là các bạn có thể lấy đc từ 1 đến 1,5 điểm rồi. Thêm chút thời gian cuối, chúng em học phần biểu đồ, tập trung mình biểu đồ thì bạn nào cũng có thể thêm 2 điểm. Rất thuận lợi cho học sinh chúng em”.
Thầy Tống Trần Đức – Hiệu phó trường THPT Hương Sơn – Hà Tĩnh chia sẻ, đa số học sinh của trường đều chọn Địa là môn thi thứ 4 để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT. Giải thích về lựa chọn của học sinh, thầy Đức cho rằng, theo cấu trúc của đề thi môn Địa lý thường gồm 2 phần: lý thuyết và thực hành.
Đối với phần lý thuyết, thí sinh có thể mang Atlat địa lý, đây là một lợi thế. Ngoài ra, kiến thức về địa lý phần nhiều là kiến thức thực tế, rất dễ học, các em có thể nạp ở bất cứ đâu như trên tivi, dự báo thời tiết, báo đài... chứ không phải học vẹt. Phần thực hành thường yêu cầu vẽ biểu đồ, phần này chiếm 3 điểm. Thông thường kiến thức vẽ biểu đồ khá dễ, tính toán cũng đơn giản nên thí sinh đạt học lực trung bình đều có thể làm được:
“Đó cũng là những lý do khá hợp lý để những em học lực ở mức trung bình, dưới trung bình có thể tránh điểm liệt, còn học sinh khá có thể kiếm điểm khá giỏi “gỡ” cho các môn thi khác” – thầy Đức nói.