Dân Việt

Có khu tái định cư, hàng trăm hộ hết lo nhà sập

Huỳnh Xây - Nguyễn Lan 08/03/2016 13:05 GMT+7
Từ khi được hỗ trợ, di dời vào khu tái định cư Hồ Bể (ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), hàng trăm hộ dân sống ven đê biển nơi đây đã có cuộc sống bình yên, thoát khỏi cảnh lo sợ vì gió to, sóng dữ.

Không còn lo cảnh nhà sập

Không có đất sản xuất, gia đình ông Thạch Quil từ tỉnh An Giang lưu lạc đến khu vực ven biển thị xã Vĩnh Châu, dựng nhà bằng cây lá tạm bợ, sống lay lắt qua ngày. Thấy được hoàn cảnh thương tâm trên, chính quyền địa phương đã đến vận động, hỗ trợ gia đình ông vào ở khu tái định cư Hồ Bể. Nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình đã ổn định hơn, có điều kiện để phát triển kinh tế, nuôi con ăn học đẩy đủ. 

“Hơn 10 năm sống ven biển, cuộc sống vợ chồng tôi không lúc nào yên ổn. Gió yên sóng lặng còn đỡ lo, khi có bão hay khi biển động thì cả đêm không ngủ được. Đã rất nhiều lần, ngôi nhà bị hư hỏng vì sóng đánh, gió giật phải gia cố lại. Nhờ chính quyền địa phương động viên, đưa về khu tái cư và hỗ trợ nhiều mặt nên vợ chồng tôi mới cải thiện được cuộc sống như bây giờ” – ông Quil chia sẻ.

Cũng theo ông Quil, khi vào ở khu tái định cư, vợ chồng ông được cấp trên 4.000m2 đất (đất ở, đất sản xuất) và hỗ trợ 30 triệu đồng để dựng nhà ở. Từ sự hỗ trợ ban đầu trên, gia đình ông đã đầu tư vào mô hình nuôi tôm công nghiệp khá hiệu quả. Đến nay, vợ chồng ông còn mua thêm 5.000m2 đất và xây nhà mới trị giá gần 200 triệu đồng.

img

Gia đình ông Thạch Quil đã có cuộc sống ổn định từ khi vào khu tái định cư Hồ Bể.  Ảnh: Nguyễn Lan

Từ những diện tích đất được hỗ trợ, bà con khu tái định cư còn tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp như nuôi trồng thủy sản, trồng rau màu... Khi mới vào ở, hầu hết đều là hộ nghèo nhưng hiện đã có khoảng 50% số hộ thoát nghèo. Chính quyền địa phương đã và đang tiếp tục nỗ lực hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả hơn và mang tính bền vững”.

Ông Hoàng Văn Hướng

Còn đối với gia đình ông Thạch Bé, vào khu tái cư Hồ Bể không chỉ chấm dứt chuỗi ngày sống trong lo lắng mà còn tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống.

“Ở ngoài đê, muốn có nước ngọt sử dụng phải đi gánh nước cách nhà khoảng 4 - 5km. Tuy nhiên, nước ngọt chỉ để uống, còn tắm giặt đều sử dụng nước biển hết. Bây giờ vào khu tái định cư này rất khoẻ và thoải mái, không những có trạm cấp nước sạch mà còn có đường lộ lớn, trường học, trạm y tế…” - ông Thạch Bé cho biết.

130 hộ an cư

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu tái định cư Hồ Bể nằm trong Dự án Bảo tồn rừng ngập mặn của tỉnh Sóc Trăng, được triển khai thực hiện năm 2006, với tổng kinh phí thực hiện gần 30 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Cũng như gia đình ông Quil và ông Bé, khi vào khu tái định cư, nhiều hộ dân khác cũng được cấp đất ở, đất sản xuất và nhà bán kiên cố. Hiện nơi đây đã có khoảng 130 hộ dân sinh sống.

Theo ông Hoàng Văn Hướng - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, phần lớn hộ dân sinh sống trong khu tái định cư Hồ Bể là người dân tộc Khmer, từng sống ven tuyến đê biển và ven rừng phòng hộ thị xã Vĩnh Châu. Từ ngày vào khu tái định cư, bà con yên tâm hơn vì tài sản, hoa màu không còn bị triều cường đe dọa, con em đi học cũng thuận tiện hơn.