Nghiên cứu đã khảo sát định lượng và định tính đối với gần 8.500 người cả nam và nữ tại 11 tỉnh, thành phố suốt từ năm 2012 đến 2015. Nhiều kết quả đã khiến nhiều người ngỡ ngàng vì phụ nữ chân yếu tay mềm lại quá “siêu nhân” khi gánh phần lớn công việc trong gia đình, còn đàn ông thì chỉ biết mỗi làm.. trụ cột. Thậm chí cả việc đồng áng, chăn nuôi cũng do phụ nữ làm là chính. Nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ tham gia hầu hết các công đoạn sản xuất nông nghiệp: làm đất, gieo cấy, bón phân, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch, tưới, trông nom, bán thành phẩm và quản lý thu chi. Nam giới chỉ làm nhiều nhất hai việc là làm đất và phun thuốc trừ sâu. Còn trong chăn nuôi, đánh bắt thuỷ sản, phụ nữ cũng tham gia hầu hết các đầu việc còn nam giới rất lựa chọn.
Ảnh minh họa
Đặc biệt, có sự “vênh” lớn giữa phân công việc nhà. Có tới 97% phụ nữ và 90% đàn ông cho biết, nam giới trong gia đình họ chỉ tham gia từ 0-2 việc trong số 11 việc được liệt kê (đi chợ, rửa bát, nấu ăn, giặt quần áo, dọn dẹp, chăm sóc người ốm, việc hiếu hỉ, đưa đón con...). 90,9% nữ và 78,6% nam cho biết phụ nữ làm ít nhất 5 đầu việc trở lên. Tỷ lệ này tương tự ở nông thôn khi cho rằng 97% nữ và 89,5% nam cho rằng nam giới chỉ làm từ 0-2 việc trong gia đình.
Trình bày báo cáo, TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng ISDS cho biết: “Không ít đàn ông thừa nhận họ không làm việc nhà nào cả. Khi chúng tôi ngạc nhiên hỏi: “Thế anh làm gì trong gia đình”, có người ngượng ngịu nói bận rộn, đi làm kiếm tiền. Còn có anh rất hồn nhiên bảo: “Tôi làm trụ cột”.
“Phân công lao động trong công việc gia đình thể hiện rất rõ sự bất bình đẳng giữa hai giới. Công việc gia đình hay công việc nội trợ được gọi là những công việc không tên hoặc những việc không được trả công. Phụ nữ dành nhiều thời gian và sức lực cho các việc không tên cho gia đình nhưng nhiều trường hợp họ vẫn bị coi là “ăn bám”, bị chồng và gia đình chồng coi thường, lạm dụng bóc lột. ISDS đã từng có nghiên cứu định lượng “thành tiền” các công việc nhà và kết quả cho thấy, phụ nữ làm việc nhà tương đương từ 1-10 lần thu nhập bình quân đầu người tại địa phương trong thời gian đó (Hà Tây năm 2007) – bà Nguyễn Thị Vân Anh – thành viên nhóm nghiên cứu phân tích.
Có lẽ vì bị các định kiến và yêu cầu của các thành viên trong gia đình trói buộc phải đặt việc nhà lên trên hết nên có đến gần 14% phụ nữ lựa chọn công việc gần nhà và 10,47% lựa chọn công việc có nhiều thời gian rảnh để lo việc gia đình (tỷ lệ này ở nam là 10,96% và 3,88%). “Lựa chọn đó khiến phụ nữ ít có cơ hội thăng tiến và thu nhập thấp hơn” – TS Hồng nhận định.
“Cứu lấy đàn ông Việt Nam” Có lẽ, chúng ta cần có phong trào để “cứu lấy đàn ông Việt Nam”. Từ nghiên cứu có thể thấy, đàn ông gây ra nhiều đổ vỡ gia đình, là người gây ra đa số các vụ bạo lực gia đình; không chia sẻ việc nhà với vợ, gây áp lực cho vợ... Thực ra, nam giới cũng chính là nạn nhân của các định kiến xã hội về gia trưởng khắc sâu, được những người mẹ định kiến giới giáo dục. Họ còn là nạn nhân và thủ phạm chính của các vụ tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, nghiện hút, nghiện rượu, bệnh tật hiểm nghèo, đánh nhau... Nếu không có các can thiệp có thể tình hình sẽ ngày càng xấu đi” – TS Khuất Thu Hồng |