Dân Việt

Chủ tịch Quốc hội: "Dân như điện, còn đại biểu Quốc hội là ắc quy"

Ngọc Lương 09/03/2016 11:53 GMT+7
“Dân như điện, còn đại biểu Quốc hội là ắc quy. Dân nạp điện thì ắc quy mới hoạt động được. Dân không nạp thì ắc quy mất điện” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ví von khi góp ý vào dự thảo báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội.

Sáng 9.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội.

Góp ý vào dự thảo báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã dành phần lớn thời gian nói về mối quan hệ giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong Quốc hội, từ ông Chủ tịch cho đến các đại biểu Quốc hội trước hết đều là cử tri, là người dân, sống trong dân, vì thế đứng trên dân là không được.

img

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

"Chủ tịch hay đại biểu Quốc hội thì cũng là công dân, là người tử tế. Ông làm chức năng đại biểu Quốc hội, mới là đại diện của dân được" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Nói về vai trò của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Các đại biểu Quốc hội chúng ta cũng sợ dân chứ. Tôi cứ nói nôm na, có ông Bộ trưởng nào lên diễn đàn mà không sợ dân? Có ông chủ nhiệm ủy ban, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc hay Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo điều hành Quốc hội nào mà nói theo kiểu đứng trên dân có được không? Không được đâu! Quốc hội được nhân dân đồng tình, dân ủng hộ, dân giám sát, dân đóng góp ý kiến trong tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri mới tạo ra sức mạnh của Quốc hội... Cái tinh thần này cần phải đưa vào báo cáo nhiệm kỳ Quốc hội”.

Theo ông Hùng, hoạt động của Quốc hội, từ xây dựng pháp luật, giám sát hay quyết định những vấn đề lớn của đất nước, cũng đều để phục vụ nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội đúc kết, khi Quốc hội được nhân dân đồng tình, ủng hộ, khích lệ, giám sát, đóng góp ý kiến qua các buổi tiếp xúc cử tri, từ đó mới tạo ra sức mạnh của Quốc hội.

“Dân như điện, còn đại biểu Quốc hội là ắc quy. Dân nạp điện thì ắc quy mới hoạt động được. Dân không nạp thì ắc quy mất điện. Chính vì thế, Quốc hội hoạt động phải bám sát được hơi thở cuộc sống của dân” - ông Hùng bày tỏ.

img

Tiếp xúc cử tri là để lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân.

Góp ý vào dự thảo báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị trong phần Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cần đề cập đến vấn đề Biển Đông.

Theo ông Sơn, việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (năm 2014) vào vùng biển của nước ta là một vấn đề chính trị rất lớn.

"Quốc hội đã có những hoạt động tích cực để xử lý vấn đề lớn này. Kể từ khi xảy sự việc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng đã ký thư gửi đến tất cả các nghị viện thế giới, qua đó họ bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam. Trong các hoạt động đối ngoại, trong các bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội khai mạc kỳ họp, bế mạc kỳ họp Quốc hội... có rất nhiều nội dung đề cập đến vấn đề Biển Đông. Quốc hội cũng rất bình tĩnh, sáng suốt, lắng nghe, theo dõi, chính cách làm của Quốc hội góp phần ổn định tình hình đất nước. Những nội dung đó cần được đề cập trong dự thảo báo cáo" - ông Sơn nói.