Dân Việt

Làng Pan đổi đời trên đất nghèo

Quốc Dinh 29/08/2013 10:03 GMT+7
Làng Pan vốn là nơi xa nhất, nghèo nhất của xã vùng sâu Dun, huyện Chư Sê (Gia Lai). Nhưng giờ đây đã đổi khác, trên mảnh đất nghèo kiệt vì nắng gió, người dân làng Pan đã biết biến cuộc sống nghèo đói cố hữu bao đời bằng chính đôi tay mình...
Từ người đi tiên phong

Về làng Pan mùa này, từ đầu làng đã thấy những thảm hồ tiêu trải dài mướt mắt. Người lạ dễ tưởng nhầm đây là ngôi làng người Kinh, chứ không thể ngờ một ngôi làng thuần đồng bào Ba Na mà biết trồng hồ tiêu và đã đổi đời nhờ chính loại cây này...

Siu Nay, người tiên phong “đi học người Kinh” kể rằng: Trước đây, làng Pan nghèo lắm. Nghèo là bởi cả làng chỉ biết cây lúa rẫy từ đời ông bà. Làm lúa rẫy, nhà nào giỏi lắm thì được chừng dăm tạ. Chỉ chừng đó mà cái miệng ăn suốt một năm; cái quần cái áo, hạt muối ăn cũng phải trông vào nên hạt lúa như có chân. Chỉ mới buông cuốc là đã thấy hết lúa. Nhà nào cũng đói vài ba tháng là chuyện thường… Cứ vào quãng sau Tết là nhà nhà lại kéo nhau lên rừng. Người hái quả dại, rau rừng; người lùng bắt con chuột, con kỳ đà chia nhau ăn cầm cự qua ngày…. Ấy là nói lúc được mùa. Năm Yang (Trời) bắt mất mùa thì còn kể không hết cái khổ. Có lúc đến cả lá mì (sắn) nấu với muối kiếm ra cũng khó. Người người cứ vật vờ trên đường như bóng con ma…

Thấy cứ bám mãi cây lúa rẫy thì có xuống ở làng ma cũng không hết khổ, Siu Nay quyết tâm đi học người Kinh. Ban đầu, Nay học trồng tiêu. Cứ nghĩ họ trồng được thì mình cũng trồng được, nào ngờ lứa đầu bị chết gần hết. Còn đôi ba gốc sót lại thì cây nào cũng chỉ lèo tèo vài chùm quả. Lại nghĩ trồng hồ tiêu khó, chắc trồng cà phê dễ hơn. Hì hụi trồng, chờ 4 năm cuối cùng chỉ thấy có cành trơ với lá… Cũng đất này, cũng cái nắng gió này người Kinh trồng được mà mình thất bại thì rõ là do mình không biết cách thôi. Thế là Siu Nay lặn lội cất công đi hỏi những gia đình người Kinh có kinh nghiệm làm cà phê, hồ tiêu quyết học cho bằng được. Siu Nay bảo: “Thương mình, họ thật tình bày vẽ cho tỉ mỉ từng việc. Nào phải bón phân ra sao, tưới nước thế nào… rồi ủ phân con bò thế nào mới trồng được. Biết là vậy nhưng khi bắt tay vào làm cũng chẳng dễ. Có điều bụng mình đã quyết: khó cũng không bằng đói. Trầy trật mãi cuối cùng mình cũng thành công…”.

Đốm lửa… thành bếp lửa

“Người Ba Na mình khó nhất là thay đổi nhận thức. Mà muốn thay đổi được thì họ phải tận mắt thấy, tận tai nghe… Rành là mình ở chung đất, uống cùng giọt nước mà làm nên, chuyện này không ai có thể bỏ con mắt ngó đi nơi khác được. Những người hiểu biết, nhất là lũ thanh niên tìm đến học mình. Lúc đầu họ cũng dè dặt, sợ làm chỉ uổng công. Mình bảo tôi cũng chỉ có một cái đầu; cái chân cái tay cũng không dài hơn ai mà làm được, cớ sao mọi người lại sợ? Cứ làm đi, chết tôi chịu… Thấy mình nói vậy họ mới chịu theo…” - Siu Nay tâm sự.

"Giờ ước mong của người làng Pan là được bê tông con đường vào làng để khỏi khổ trong mùa mưa nữa, xem như mãn nguyện”
Già làng Rơ Lan Vu


Chuyện Siu Nay kể đã xảy ra gần chục mùa rẫy trước… Dẫu vậy ở làng Pan, mỗi khi nhắc đến những cái tên như Siu Nay, Rơ Lan Jơp, Blốp… ai ai cũng ngầm biết ơn bởi nếu không có họ đi tiên phong, làm thay đổi nếp nghĩ, làng Pan chẳng biết bây giờ sẽ thế nào… Từ những đốm lửa, bây giờ làng Pan có hàng chục ha hồ tiêu kinh doanh; gần 100ha cà phê. Vốn liếng từ những người đi trước đã thắp lên khát vọng làm giàu mãnh liệt cho lớp trẻ. Như Rơ Lan Pre, tuy chưa đến 30 tuổi nhưng đã có 1,2ha cà phê kinh doanh, 400 gốc tiêu, 1,6ha ruộng nước... Ngoài ra, Pre còn nuôi 4 con bò, trong chuồng lúc nào cũng nuôi vài con heo để lấy phân bón cho cây… Một nếp nghĩ, cách làm mới đã chế ngự tinh thần lớp trẻ. “Mình mới mua thêm được 8 sào ruộng nước; cũng trồng lúa 2 vụ như người Kinh nhé. Vụ rồi, 8 sào lúa mình thu được 5 chục bao, không ăn hết phải đem bán bớt… Kể hết các nguồn thu, năm rồi trừ chi phí, mình cũng kiếm được hơn trăm triệu” - Pre khoe.

Làng Pan giờ khá rồi, không lo đói nữa. Bụng no nên cái đầu cũng sáng. Ai cũng cho con đến trường học. Nhà nước lại cho điện thắp sáng, có nước sạch nữa… “Giờ ước mong của người làng Pan là được bê tông con đường vào làng để khỏi khổ trong mùa mưa nữa, xem như mãn nguyện” – già làng Rơ Lan Vụ nói vậy.