Về cấp nước tưới: Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, tổ chức giám sát, dự báo xâm nhập mặn đến từng cửa lấy nước để vận hành, điều tiết công trình nhằm ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả vào hệ thống; Tổ chức các biện pháp lấy nước và trữ nước- đắp đập ngăn mặn, nạo vét hệ thống kênh mương, lắp đặt trạm bơm dã chiến, sẵn sàng bơm lấy nước ngọt, trữ vào hệ thống kênh mương, đồng ruộng khi nguồn nước có độ mặn cho phép.
Nhiều hộ dân ở vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) đã phải bỏ ruộng vì đất nhiễm mặn đào ao nuôi tôm. Ảnh: Hoàng Hạnh
Đối với cây lúa
Với trà đông xuân muộn đang ở giai đoạn làm đòng đến trỗ, ở vùng nhiễm mặn >3g/lít, cần tranh thủ thời gian có nước ngọt để tích tối đa vào các kênh mương để cấp nước tưới; vùng nhiễm mặn <3 g/lít, cần tranh thủ tưới, nhất là giai đoạn lúa trỗ. Trường hợp không đủ nguồn nước tưới, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 2 g/lít) hoặc dùng nước ngọt phun lá.
Với vụ hè thu, tuyệt đối không xuống giống vùng được dự báo nguồn nước nhiễm mặn >3 g/lít, vùng nhiễm mặn < 3 g/lít có thể xuống giống và phải áp dụng một số biện pháp kỹ thuật- sử dụng các giống ngắn ngày chịu mặn (OM5451, OM2517, GKG1, OM6976, OM6162, OM9921, OM 6677); cày phơi đất, khi có nước ngọt tranh thủ rửa mặn; tăng cường bón phân hữu cơ và bón vùi vôi khi làm đất, lượng 500-1.000kg vôi bột/ha; sử dụng các dạng phân urê chậm tan như đạm vàng (urê 46A+), đạm xanh (urê+NEB26) để chống thất thoát đạm...
Đối với cây ăn quả
Khi có nguy cơ bị nhiễm mặn, chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn để hạn chế thoát hơi nước.
Khi đã bị nhiễm mặn: Bón bổ sung phân Sulphate kali (K2SO4), vôi bột lượng 500-1.000kg/ha. Nếu hạn, mặn kéo dài, cần phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như: KNO3 (10g/1 lít nước); Brassinosteroid (Comcat 150WP, Nyro 0,01 N, Super Humic, Dexamone...). Không tưới nước có độ mặn > 2g/lít. Khi có nguồn nước ngọt, tranh thủ tích nước và tưới để giữ ẩm.