Dân Việt

Độc đáo gắn số nhà cho hộ miền núi

Đoàn Hồng 12/03/2016 06:00 GMT+7
Những ngôi nhà của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện biên giới Tây Giang (Quảng Nam) đã được gắn số nhà. Đây là việc làm rất mới và khá độc đáo của chính quyền địa phương.

Từ chủ trương đúng

Theo ông Lê Hoàng Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, sau khi có chủ trương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Tây Giang đã vào cuộc quyết liệt và triển khai hàng loạt các dự án, mục tiêu và các giải pháp để đẩy mạnh phát triển kinh tế cũng như chỉnh trang, quy hoạch lại bộ mặt nông thôn ở các địa phương.

img

Những ngôi nhà của đồng bào DTTS ở Tây Giang (Quảng Nam) đã được gắn số như thành thị. Ảnh: Đoàn Hồng

Từ khi triển khai đánh số nhà, việc quản lý thông tin của từng hộ dân trên địa bàn huyện dễ dàng hơn. Số nhà được lưu vào phần mềm máy tính, mỗi khi có thay đổi về chủ hộ, thay đổi về địa điểm cư trú hoặc hộ gia đình đó thoát nghèo, chỉ cần chỉnh sửa thông tin trên máy tính là biết ngay”.

Lê Hoàng Linh

Trước đây phần lớn đồng bào dân tộc ở Tây Giang sống rải rác khắp nơi, khiến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi và xã hội phục vụ cho người dân hết sức khó khăn, do đó ngay khi bắt tay xây dựng NTM, vấn đề quy hoạch và sắp xếp lại dân cư được địa phương này chú trọng hàng đầu.

“Năm 2012, song song với phát triển kinh tế, giúp bà con có thu nhập ổn định, huyện bắt đầu quy hoạch đầu tư hạ tầng về đường, điện tại các xã Anông, Lăng, Atiêng, Avương… Nhờ đó, hàng loạt khu, cụm dân cư kiểu mẫu được hình thành, nhiều khu nhà mới khang trang mọc lên đã tạo nên sức sống mới cho vùng miền núi ở Tây Giang” – ông Linh chia sẻ.

 Để tạo nên nét riêng và khác lạ trong phong trào xây dựng NTM, huyện Tây Giang đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai xây dựng đề án gắn biển số nhà cho các xã từ năm 2012. Đến cuối năm 2014 huyện mới triển khai tại các xã Atiêng, Lăng, Anông...

Lòng dân đồng thuận

Ông Lê Trung Thủy - Chủ tịch UBND xã Atiêng cho biết: Toàn xã có 6 thôn (6 cụm dân cư), gồm 750 hộ, với 2.700 nhân khẩu. Trong thực hiện xây dựng NTM, nhờ sự quan tâm đầu tư của cấp trên, đồng thời nhận được sự đồng tình ủng hộ rất cao của người dân (bà con đóng góp hàng chục tỷ đồng cho xây dựng NTM thông qua việc hiến đất đai, ngày công, giải phóng mặt bằng), xã đã có điều kiện thuận lợi để sắp xếp bố trí lại dân cư và xây dựng các công trình dân sinh, tạo nên sự đổi thay đáng kể cho Atiêng.

“Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, xã đã triển khai gắn số nhà cho từng hộ dân trên địa bàn. Dù bước đầu còn gặp những khó khăn, song khi được tuyên truyền về ý nghĩa của việc đánh số nhà, nhằm để dễ dàng trong việc quản lý, nắm bắt thông tin về hộ khẩu, hộ tịch, nên người dân trên địa bàn rất ủng hộ. Hiện nay, Atiêng đã cơ bản hoàn thành việc đánh số nhà cho 2 thôn là Achinh và Tà Vàng với hơn 200 nhà” – ông Thủy thông tin.

Ông Linh cho biết thêm, trước đây, nhân dân vùng cao Tây Giang thường xuyên sống phân tán ở khắp nơi, nhưng từ khi xây dựng NTM đến nay,  các xã và các bản làng dân cư đã được bố trí, sắp xếp lại khá tập trung, vừa dễ quản lý về nhân khẩu, vừa được xây dựng khang trang mà vẫn giữ được nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng cao với ngôi nhà gươl truyền thống ở trung tâm của thôn, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân cũng từ đó sôi động và hiệu quả hơn trước rất nhiều.