Hưng Hà – huyện nông thôn mới đầu tiên của quê lúa
Là huyện điểm về XDNTM của tỉnh Thái Bình, huyện Hưng Hà đã nỗ lực tìm giải pháp linh hoạt, sáng tạo trong triển khai và nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Nhờ đó đến hết năm 2015, huyện đã đạt đủ tiêu chí để được công nhận là huyện NTM đầu tiên của tỉnh.
Xác định chương trình XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhiệm kỳ 2010 - 2015, Hưng Hà thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tập trung công sức, trí tuệ XDNTM. Huyện đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, đề án đúng theo chủ trương của tỉnh, phù hợp với thực tiễn địa phương và đáp ứng nguyện vọng của người dân. Sự sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện với phương châm phát huy dân chủ, công khai, minh bạch đã góp phần đưa chương trình XDNTM ở Hưng Hà đạt được những kết quả vượt trội.
Cổng làng nông thôn mới của xã Đông Các (huyện Đông Hưng)
Trong năm 2015, Hưng Hà phấn đấu có thêm 13 xã đạt chuẩn quốc gia về NTM để trở thành huyện NTM. Ngay từ đầu năm 2015, các cấp lãnh đạo huyện và các địa phương ở Hưng Hà đã vào cuộc với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình XDNTM. Quyết liệt, sát sao là quan điểm chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy Hưng Hà trong quá trình xây dựng NTM. Ban Thường vụ Huyện ủy Hưng Hà đã ban hành Nghị quyết số 335, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 29a về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng huyện Hưng Hà sớm đạt chuẩn quốc gia về NTM.
Cùng với đó, huyện chỉ đạo hoàn thiện, công khai toàn bộ các quy hoạch, các công trình do huyện quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đối với 14 xã đã đạt chuẩn NTM, huyện chỉ đạo tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, từng tiểu mục đã đạt được, phát huy giá trị các tiêu chí phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm sự phát triển bền vững. Đối với 13 xã đăng ký về đích NTM trong năm 2015, huyện chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá thực trạng khách quan và có giải pháp thực hiện cụ thể cho từng tiểu mục, từng tiêu chí, đồng thời lập tiến độ thời gian, bố trí nguồn lực và phân công cán bộ phụ trách để khẩn trương hoàn thành 100% các tiêu chí vào tháng 10.2015. Với những địa phương mới đạt từ 11 - 14 tiêu chí, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các hạng mục công trình.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn để đem lại việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Ông Nguyễn Văn Dương – Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh văn phòng điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thái Bình cho biết: Đến nay, huyện Hưng Hà có 25/33 xã (đạt 75,75% số xã). 96,6% tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 2,43%... Huyện Hưng Hà đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015.
Huyện Quỳnh Phụ - dấu ấn từ sức dân
Là huyện còn nhiều khó khăn, nhưng 5 năm qua các xã trong huyện Quỳnh Phụ đã huy động 1.003,6 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó vốn của huyện 33,1 tỷ đồng, ngân sách xã 310,6 tỷ đồng, nhân dân đóng góp, vốn huy động xã hội hóa và các nguồn vốn lồng ghép khác 659,9 tỷ đồng.
Từ phong trào chung sức XDNTM, nhân dân trong huyện đã hiến hàng nghìn mét tường bao, hàng chục ha đất vườn, tham gia hàng chục nghìn ngày công phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và thi công đường giao thông. Đến cuối năm 2015, Quỳnh Phụ có 6 xã hoàn thành xây dựng NTM; 16 xã đã được đoàn thẩm định đánh giá hoàn thành 19 tiêu chí NTM . Những xã còn lại đều đạt từ 13 tiêu chí trở lên. Sau 5 năm xây dựng NTM, các xã đã đạt bình quân 16 tiêu chí. Giai đoạn 2016 - 2017, huyện phấn đấu có 14 xã đạt chuẩn để trở thành huyện NTM.
Người dân xã Quốc Tuấn (huyện Kiến Xương tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn (tư liệu)
Nhờ có sự huy động, phân bổ nguồn lực hợp lý nên hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế… trên địa bàn được đầu tư hoàn thiện, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng trong xây dựng NTM có chuyển biến tích cực, vai trò chủ thể của người dân được phát huy. Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều điển hình tiên tiến.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, các xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động được sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. Ngoài nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh, huyện còn huy động được trên 1.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Trong đó vốn huy động con em xa quê và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đạt 42,7 tỷ đồng.
Tại các xã, mỗi công trình đều mang đậm dấu ấn của người dân. Từ việc đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất để có mặt bằng đến việc trực tiếp xây dựng, quản lý đều được người dân bàn bạc công khai và đồng thuận. Chương trình xây dựng NTM đã đi vào lòng dân. Nhân dân phấn khởi và mong muốn tiếp tục được đóng góp vào chương trình trong thời gian tới.
Kiến Xương phấn đấu đạt chuẩn trước 2020
Nhờ phát huy tốt tinh thần dân chủ trong XDNTM, các địa phương huyện Kiến Xương đã huy động nhiều nguồn lực, nhất là huy động được sự đóng góp của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương và thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại.
Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Thái Bình, Kiến Xương trước đây là một huyện nghèo với đa số cư dân sống bằng nghề nông, đến nay đang từng ngày đổi thay rõ rệt. Những con đường trải nhựa hoặc bê tông rộng rãi từ huyện đến làng xã, ruộng đồng; các công trình phúc lợi được xây dựng khang trang; hàng hóa và vật tư nông nghiệp được bày bán khắp mọi nơi. Những trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; những xí nghiệp, tổ hợp làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm,... thu hút hàng trăm, hàng ngàn lao động.
Người dân xã Dũng Nghĩa (huyện Vũ Thư) chung sức xây dựng NTM (tư liệu)
XDNTM đã được các cấp, các ngành chủ động, tích cực cụ thể hóa và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt. Phần lớn các đảng bộ các xã đã ban hành nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng cơ chế, chính sách, những cách làm sáng tạo, có hiệu quả, thu hút được sự quan tâm và đóng góp của nhân dân và con em xa quê hướng về quê hương. Công tác chỉ đạo kịp thời đã tạo động lực cho phong trào phát troeenr sâu, rộng trong nhân dân, làm thay đổi nhận thức, cách làm, khắc phục đáng kể tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy những cách làm sáng tạo ở các địa phương.
Sau 4 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, Kiến Xương đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đến hết năm 2010, tất cả các xã đều hoàn thành việc quy hoạch xây dựng NTM; năm 2012 hoàn thành xong việc dồn điền đổi thửa, đạt chỉ tiêu 1,6 thửa/hộ, một số xã đạt 1,2 thửa/hộ. Huyện đã xây dựng được 13 vùng sản xuất lúa hàng hóa với diện tích 677ha và vùng chuyên màu với diện tích 90ha nâng hiệu quả sản xuất lên gấp 1,3 - 1,5 lần trên một đơn vị diện tích. Có 13 xã đã quy hoạch 157,79ha vùng chăn nuôi tập trung, 103 trang trại, gia trại; trong đó, 9 trang trại quy mô lớn. Với sự đầu tư đúng hướng, các trang trại, gia trại hoạt động hiệu quả, mang lại nguồn thu khá cao cho người chăn nuôi.
Trong 4 năm (2011 – 2015) toàn huyện đã huy động được 784,072 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó vốn từ cộng đồng dân cư là 275,632 tỷ đồng, từ con em xa quê 28,835 tỷ đồng. Cả huyện có 70 trường học, 247 nhà văn hóa, sân thể thao xã, thôn, 12 chợ nông thôn, 20 trạm y tế xã, 26 khu xử lý rác thải cùng hàng chục công trình khác được xây mới, sửa chữa đạt chuẩn NTM.
Đến hết năm 2014, huyện Kiến Xương có 12 xã đã hoàn thành xây dựng NTM. Trong hai đợt thẩm định năm 2015, huyện đã có thêm 9 xã được công nhận đạt chuẩn. Những địa phương khác cũng đang nhận được sự chỉ đạo quyết liệt để phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 35/35 xã đạt chuẩn NTM.
Với những cách làm chủ động, sáng tạo theo quan điểm “dân là chủ thể” trong chương trình XDNTM, kết thúc năm 2015, Thái Bình đã có thêm 80 xã đạt chuẩn, nâng số xã đạt chuẩn của toàn tỉnh lên 165 xã, vượt 95 xã so với kế hoạch đề ra. |