Dân Việt

Tình báo Mỹ nhận định về sức tấn công của Trung Quốc từ Trường Sa

Hạ Anh 11/03/2016 16:29 GMT+7
“Vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017, Trung Quốc sẽ có năng lực đáng kể để nhanh chóng triển khai sức mạnh quân sự tấn công trong khu vực”, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper nhận định.

Trong bức thư ngày 23.2 gửi chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain, ông James Clapper cảnh báo các hoạt động cải tạo đất và xây dựng của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã thiết lập đầy đủ cơ sở hạ tầng cho việc “triển khai các khả năng quân sự trên Biển Đông vượt mức độ phòng thủ đơn thuần”.

Theo The Diplomat, bức thư được xuất bản đầu tiên bởi USNI News ghi nhận rằng, vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017 Trung Quốc sẽ "có năng lực đáng kể để nhanh chóng triển khai sức mạnh quân sự tấn công đáng kể trong khu vực.

Báo cáo của ông James Clapper cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi phát triển xây dựng và cơ sở hạ tầng trên các đảo chiếm giữ trái phép ở Biển Đông.

img

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông.

Bức thư đánh giá rằng, sân bay trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã hoạt động và có thể chứa tất cả các loại máy bay quân sự của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã lắp đặt hệ thống radar, triển khai các tên lửa đối không tại quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc đã thành lập các cơ sở hạ tầng cần thiết để bảo đảm  khả năng quân sự trong vùng Biển Đông, bức thư cho biết. Theo ông Clapper, những khả năng quân sự này có thể bao gồm việc triển khai các máy bay chiến đấu hiện đại, tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển, cũng như gia tăng sự hiện diện của quân đội Giải phóng Hải quân nhân dân Trung Quốc và lực lượng tuần duyên nước này.

Dự kiến cũng sẽ có thêm các tàu hải quân và tuần duyên của Trung Quốc được triển khai. Radar cảnh báo quân sự, bắt và bám mục tiêu cũng đang được Bắc Kinh bổ sung.

Ông Clapper cũng cho biết, Trung Quốc dường như đang xây dựng các kho nhiên liệu và cơ sở hậu cần tại các cảng trong quần đảo Trường Sa. Ông Clapper nói rằng, đến nay chưa thấy máy bay của không quân hay hải quân Trung Quốc ở vùng Trường Sa mặc dù máy bay dân sự đã hạ cánh trên Đá Chữ Thập hồi tháng 1 vừa qua. Tuy nhiên, ông nhận xét: “Căn cứ vào điều này, chúng tôi đánh giá rằng đường băng trên Đá Chữ Thập hoạt động bình thường và có thể tiếp nhận mọi máy bay quân sự Trung Quốc”.

Về câu hỏi liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi các hoạt động cải tạo phi pháp ở Biển Đông hay không, bức thư nêu rõ: “Tính từ năm 2013, Trung Quốc đã cải tạo hơn 1.170 ha đất ở Trường Sa, diện tích các bãi đá vẫn còn có thể cải tạo lên đến hơn 400 ha”.

 Phân tích tình báo này trái ngược hẳn với những tuyên bố của chính phủ Trung Quốc rằng các hoạt động quân sự của họ ở Biển Đông có tính phòng thủ, hạn chế và không nhằm bá quyền quân sự trong khu vực.

Tuần trước Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói trong một bài phát biểu rằng các nỗ lực của Trung Quốc nhằm quân sự hóa Biển Đông đang làm tăng nguy cơ xung đột. “Các hoạt động này có tiềm năng tăng nguy cơ tính toán sai lầm hoặc xung đột giữa các nước có tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc không được theo đuổi việc quân sự hóa ở Biển Đông. Các hành động cụ thể sẽ có các hậu quả cụ thể”, ông Carter nói.