Người tị nạn và người di cư vượt biển từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos của Hy Lạp, ngày 28.11.2015. ảnh:AP
Trong EU hiện tại có hai luồng quan điểm khác nhau về cách giải quyết vấn đề tị nạn. Quan điểm thứ nhất cho rằng phải đóng cửa biên giới quốc gia thì mới ngăn chặn được dòng người tị nạn. Áo và những nước trên bán đảo Balkan, dù là thành viên EU hay không phải là thành viên EU, theo đuổi chủ trương này. Đó là cách "chặn tuyến đường Balkan", tức không để dòng người tị nạn đi qua những nước trên bán đảo Balkan đổ về EU. Tuy nhiên, cách thức này gây nên 3 hậu quả tai hại đối với EU: Xoá sổ trên thực tế Hiệp ước Schengen về tự do đi lại và chu chuyển đối với con người, hàng hoá và dịch vụ giữa các nước thành viên EU; Cáo chung cho mọi nỗ lực và cách thức lâu nay của EU nhằm giải quyết vấn đề tị nạn; Gây khó khăn rất lớn cho Hy Lạp vì chẳng khác gì biến nước này thành điểm tập trung người tị nạn không có con đường nào đi tiếp.
Luồng quan điểm thứ hai là khép kín biên giới ngoài của EU và duy trì biên giới mở trong EU. Chính phủ Đức của bà Merkel sau khi nhận ra sai lầm là đã mở cửa biên giới quốc gia cho người tị nạn bây giờ đi đầu trong EU với chủ trương này. Thực chất ở đây là đưa khu tập trung người tị nạn ra ngoài phạm vi lãnh thổ EU, giải quyết vấn đề tị nạn ở nơi xa chứ không phải ở bên trong EU. Cách giải quyết này chỉ khả thi khi có sự tham gia xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ. Nội bộ các thành viên EU hiện bị phân hoá bởi hai luồng quan điểm này và chừng nào chưa có giải pháp hữu hiệu cho vấn đề tị nạn thì chừng đó sự phân hoá này sẽ còn trở nên sâu sắc và khó khắc phục hơn. Cách giải quyết này giúp bà Merkel gỡ gạc thể diện và giành lại thế chủ động từ Áo. Vấn đề chỉ là EU dễ dàng trở thành con tin của Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ là EU phải chi tiền, trước mắt là 3 tỷ Euro. Số tiền này lớn, nhưng không đến mức quá lớn đối với EU. Điều kiện này có thể dễ dàng được EU chấp thuận. Nhưng hai điều kiện tiếp theo mới là quả đắng đối với EU, đó là EU phải miễn thị thực cho công dân nước này nhập cảnh vào EU và EU phải thúc đẩy quá trình đàm phán về kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU. Những điều kiện này chẳng liên quan gì đến chuyện người tị nạn. Nó như sự mặc cả với EU. EU khó có thể chấp nhận hoặc nếu chấp nhận thì sẽ phải trả giá là bất đồng và phân hoá nội bộ càng thêm trầm trọng. Xem ra, EU hiện tránh được vỏ dưa thì lại gặp phải vỏ dừa./.