Dân Việt

“Nâng chất” cơ chế xây dựng nông thôn mới

Chúc Ly 13/03/2016 06:00 GMT+7
Đó là kiến nghị chung của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc Văn phòng điều phối nông thôn mới (VPĐP NTM) cấp tỉnh năm 2016, tổ chức tại TP.Cần Thơ ngày 11.3.

17 huyện đạt chuẩn NTM

Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị của VPĐP NTM T.Ư, đến nay cả nước có 17 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM và 7 đơn vị cấp huyện đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng công nhận.

Ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh VPĐP NTM T.Ư, nhấn mạnh: “Về cơ bản chúng ta không chỉ đạt được mục tiêu của chương trình về số xã đạt chuẩn, mà quan trọng hơn là chuẩn bị cho bước phát triển vượt bậc về chất với sự xuất hiện của mô hình NTM cấp huyện ở nhiều địa phương trên cả nước”.

img

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ. Ảnh: Chúc Ly

Dự kiến năm 2016, cả nước huy động được khoảng 263.127 tỷ đồng từ các nguồn lực để thực hiện Chương trình NTM (ngân sách T.Ư bố trí khoảng 7.374 tỷ đồng). Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% số xã đạt chuẩn NTM; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn (giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã); nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân nông thôn, thu nhập tăng 1,8 lần so với năm 2015.

Nâng cao chất lượng xây dựng NTM

Có 5 vấn đề chính được đại diện VPĐP NTM T.Ư và các tỉnh tập trung thảo luận, nhằm khắc phục những hạn chế của giai đoạn 1, nâng cao chất lượng triển khai chương trình ở giai đoạn 2. Trong đó, về cơ chế, chính sách phải làm sao tạo động lực cho các xã đặc biệt khó khăn tự vươn lên, thu hẹp khoảng cách; làm rõ cơ chế về phân bổ, giảm sát và theo dõi các nguồn vốn thực hiện chương trình mà trước hết là nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, làm rõ phương thức hỗ trợ để thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, phát triển ngành nghề nông thôn gắn với du lịch sinh thái, cơ chế, chính sách và mô hình về cải thiện chất lượng môi trường nông thôn...

Đại diện VPĐP các tỉnh đã đưa ra nhiều kinh nghiệm, giải pháp hay trong quá trình thực hiện chương trình như: Giải pháp hiệu quả trong xây dựng hạ tầng NTM để tránh xảy ra tình trạng nợ đọng; cơ chế phân bổ và giám sát thực hiện nguồn lực xây dựng NTM; thực hiện quy trình đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn NTM đảm bảo thực chất, nhằm khắc phục tình trạng xuê xoa, chạy theo thành tích.

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh VPĐP NTM tỉnh Quảng Nam thông tin: Khi bắt tay vào xây dựng NTM, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, xã xây dựng quy hoạch, đề án xây dựng NTM sát với điều kiện cụ thể của từng địa phương, cái dễ làm trước, khó làm sau, ít nguồn lực làm trước, cần nhiều nguồn lực làm sau nên góp phần hạn chế… nợ.

Còn ông Lê Văn Gọi – Phó Chánh VPĐP NTM tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Công tác lấy ý kiến người dân cần được quan tâm hơn nữa. Ngoài lấy ý kiến theo quy định, tỉnh Đồng Nai còn yêu cầu các địa phương phải phát phiếu lấy ý kiến cho những người dân không có điều kiện tham gia họp. Ngoài ra, hồ sơ đề nghị xét, công nhận NTM của xã phải được sự đồng thuận bằng văn bản của Đảng ủy và HĐND xã.