Quán phở của ký ức
Quán phở Gạc Ma - Trường Sa nằm nép mình nơi con phố Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, ngày ngày anh Thoa vẫn đều đặn bưng bê từng tô phở cho khách.
Mỗi ngày, tại quán phở Gạc Ma - Trường Sa luôn nườm nượp khách ghé thăm. Trong dòng người ấy vẫn có những đồng đội cũ từ các tỉnh lân cận về đây thăm anh Thoa và thưởng thức món phở Gạc Ma do chính tay anh nấu.
Quán phở Gạc Ma - Trường Sa của người lính Lê Minh Thoa.
Người dân đến ăn quán phở này rất đông, không chỉ vì phở ngon mà còn khâm phục bởi chí khí của người đầu bếp duy nhất tại quán này. Khi khách còn ngỡ ngàng với những khẩu hiệu như Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, anh Thoa liền cười bảo: Đó là những ký ức, hoài niệm về đồng đội, cuộc chiến Gạc Ma - Trường Sa của riêng anh.
“Tên quán Gạc Ma - Trường Sa chất chứa bao kỷ niệm trong tôi về những đồng đội đã hy sinh để bảo vệ quần đảo, những điều này tôi luôn khắc trong tim. Điều vui nhất là những đồng đội tôi còn sống vẫn hay giữ liên lạc, có điều kiện thì ghé ăn phở rồi ôn lại chuyện cũ ở Gạc Ma”, người cựu binh mắt nhìn xa xăm nói.
Anh Thoa tất bật với việc bán phở để mưu sinh.
Trong câu chuyện của chúng tôi, anh Thoa luôn nhắc đến việc Trung Quốc đang ngày càng bành trướng ở biển Đông. Anh bức xúc lắm. “Nếu được, hãy gọi tên tôi ra Trường Sa, Hoàng Sa. Nếu tôi không đủ sức thì 2 đứa con trai của tôi, mai này lớn lên tôi sẽ cho chúng đi lính, tiếp bước cha nó ra đảo”, anh nói.
“Tôi tham gia quân đội 12 năm nhưng hiện tại tôi chỉ nhận chế độ tù đày 791.000 đồng/tháng (vừa nhận được 6 tháng). Lần khám sức khỏe mới đây, bác sĩ phát hiện thêm hai mảnh đạn còn găm trong người tôi (ở đầu và bả vai), luôn hành hạ đau nhức. Trước đây, có lẽ do máy móc chưa hiện đại nên không phát hiện được những vết thương này, khi làm hồ sơ giám định lúc ấy chỉ thương tật 11%, chế độ chỉ nhận 1 lần. Hiện nay, cha mẹ già cùng 3 đứa con tôi còn nhỏ, chỉ trông chờ vào quán phở. Tôi rất muốn đi giám định lại kết quả thương tật của mình”. Cựu binh Lê Minh Thoa |
Rơi vào tay giặc
Anh Thoa (49 tuổi) sinh ra trong một gia đình thuần nông tại vùng đất võ Tây Sơn (Bình Định). Tròn 18 tuổi khi vẫn còn đang ấp ủ giấc mơ với con số, mặt chữ trên ghế nhà trường, chàng thanh niên ấy lại gấp sách vở theo tiếng gọi của Tổ quốc để được đi bộ đội. Từ đó, anh bắt đầu học sửa chữa máy móc tàu thủy và được nhận công tác tại quần đảo Trường Sa.
Anh Thoa nhớ lại: “Ngày 11.3.1988, tôi nhận lệnh tăng cường cho tàu HQ 604 ra đảo Gạc Ma - Trường Sa. Chạy gần 2 ngày 3 đêm, đến 16h chiều ngày 13.3.1988 tàu của chúng tôi thả neo cách đảo Gạc Ma chỉ chừng 500 mét. Vài chục phút sau, tôi thấy tàu Hải thám Trung Quốc chạy về phía Gạc Ma, liên tục phát loa nói đây là lãnh thổ của Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam rời ngay. Nghe chúng nói, anh em tôi bỏ ngoài tai điều phi lý đó, vẫn tiếp tục triển khai nhiệm vụ, chuyển vật liệu xây dựng đặt mốc chủ quyền, cắm cờ Tổ quốc đúng 24h khuya khi thủy triều rút xuống”.
Đến sớm hôm sau (ngày 14.3.1988), lính Trung Quốc tràn lên đảo, giật cờ Tổ quốc mà chiến sĩ ta đã cắm xong, anh em chiến sĩ của ta vẫn kiên quyết đấu tranh bảo vệ cờ. Sau một hồi giằng co khốc liệt, phía Trung Quốc bắt đầu nổ súng khiến nhiều chiến sĩ của ta bị thương và hy sinh giữa biển. Ba chiếc tàu chiến của Trung Quốc đứng 3 phía chĩa súng vào tàu của ta bắn. Chỉ trong vòng 15 phút thì tàu ta bị chìm. Phát hiện bất cứ ai còn sống mà ngoi lên mặt nước, đám lính Trung Quốc chĩa súng bắn không thương tiếc.
Người lính Lê Minh Thoa chụp hình kỷ niệm cùng đồng đội cũ.
“Lúc đó, tôi bị thương ở chân, bỏng lưng, nhưng cũng may vớ được 2 quả bí (1 xanh, 1 đỏ, thức ăn hằng ngày) để làm phao. Đến 17h chiều ngày 14.3.1988, tàu Trung Quốc thả xuồng đến chỗ tôi (trên xuồng 1 thằng lái, 2 thằng cầm súng) và ra dấu cho tôi đầu hàng nhưng tôi quyết không chịu, chúng bắn xả nhưng tôi không sợ. Khi thấy tôi ôm 2 quả bí thì chúng không dám tới gần mà lấy cây sào móc kéo tôi lên xuồng, bịt mắt, trói tay chở đến tàu. Lúc tỉnh dậy, tôi đã thấy nằm bên cạnh mình là 8 đồng đội bị trói chặt tay, nằm xếp hàng, trên người bê bết vết máu” - anh Thoa hồi tưởng.
Khi nhắc đến đây, giọng anh Thoa bỗng chùng lại, đôi mắt chuyển sang màu đỏ ửng, ngấn ngần nước. Anh nói: “Lúc đó, tôi chỉ mặc áo ba lỗ, quần đùi bị rách tả tơi. Quân Trung Quốc chở anh em chúng tôi đi mấy ngày đêm chẳng ăn uống gì, máu của đồng đội cứ tuôn chảy, ai cũng xót xa. Khi đến đảo Hải Nam, chúng chuyển tàu chở 9 chúng tôi về nhà tù Lôi Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Nhiều anh em bị thương, chúng dùng dao để mổ lấy từng mảnh đạn trong người nhưng chẳng có thuốc giảm đau”.
Bàn tay phải anh Thoa bị thương do trận chiến khốc liệt.
“Con ở đây vẫn khỏe”
Khi bị giam giữ nhà tù Lôi Châu, anh Thoa cùng 8 đồng đội bị nhốt riêng biệt, mỗi tuần chỉ có 2 bữa cơm đạm bạc còn lại toàn cháo trắng. Lính Trung Quốc bắt anh cùng đồng đội lao động rất nặng nhọc như đổ bê tông, chẻ củi…, mãi đến năm 1989, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế đến nhà tù và tiếp cận được những người lính Việt Nam bị Trung Quốc bắt nhốt ở đây.
Hiện nay, anh Lê Minh Thoa ước nguyện vọng được giám định thương tích lần nữa.
Anh Thoa chia sẻ: "Lúc đó, đoàn Hội Chữ thập đỏ bảo với anh em chúng tôi rằng chắc chắn giữ được mạng sống nhưng về nước hay không thì phải tùy thuộc nhiều thứ. Mỗi người chúng tôi được phép viết vài dòng vào tờ giấy (không quá 24 chữ cái) để gởi lời đến gia đình. Tôi chỉ viết rằng, con ở đây vẫn khỏe, bố mẹ yên tâm, với mong muốn gia đình ở quê sẽ có chút tin tức về tôi”.
Khi đoàn Hội Chữ thập đỏ quốc tế đến gặp gỡ, làm việc thì chế độ nhà tù Trung Quốc đối xử với những chiến sĩ Việt Nam mới bớt hà khắc, giảm lao động cực nhọc và chuyển sang kiểu trồng trọt, chăn nuôi. Ðến tháng 11.1991, anh Thoa cùng các đồng đội được trao trả về nước.
Nhớ về những ngày tháng cũ, ông Lê Thừa (75 tuổi, bố của anh Thoa) nghẹn ngào: “Ngày 14.3.1988, nghe tin tàu của con tôi đã bị Trung Quốc bắn chìm ở Gạc Ma - Trường Sa, các chiến sĩ bị chết và mất tích, nhà tôi đau lắm. Gia đình tôi đã lập bàn thờ thằng Thoa, 2 vợ chồng tôi với 3 đứa em khóc suốt mấy tháng liền. Thế mà 4 năm sau, thằng Thoa còn sống và quay về. Đó là điều kỳ diệu lớn nhất của đời tôi”.