Dân Việt

Chân Tử Đan: "Tôi cứu Lý Tiểu Long 2 lần trong Diệp Vấn"

Long Hy 20/03/2016 05:10 GMT+7
Ngôi sao võ thuật tiết lộ nhiều chuyện hậu trường ít người biết của bộ phim bom tấn “Diệp Vấn 3”.

Mới đây tài tử Chân Tử Đan có bài phỏng vấn với trang Ifeng của Trung Quốc nhân sự kiện bộ phim điện ảnh mới nhất của anh “Diệp Vấn” ra mắt người hâm mộ đại lục. Theo đó, tài tử 53 tuổi tiết lộ những chuyện hậu trường của bộ phim mà ít người biết đến.

img

Chân Tử Đan bật mí hậu trường Diệp Vấn 3.

- Ban đầu xuất hiện thông tin đoàn phim sử dụng kỹ xảo tái hiện Lý Tiểu Long nhưng sau đó lại thay đổi?

Đó là vì đàm phán thất bại giữa công ty với Quỹ Lý Tiểu Long do con gái của ông làm người đại diện. Tôi không biết vì lý do kinh phí hay nguyên nhân nào nên cuối cùng ê-kíp quyết định không dùng kỹ xảo CG. Không có kỹ xảo cũng không ảnh hưởng gì bởi từ đầu kịch bản cũng không đề cập đến.

Đạo diễn muốn xóa toàn bộ hình ảnh Lý Tiểu Long đã quay nhưng tôi nói, khán giả đã chờ rất lâu rồi, phần 3 nhất định phải có Lý Tiểu Long xuất hiện. Lúc đầu đoàn phim đã tìm Trần Quốc Khôn đóng vai này nhưng sau lại dùng kỹ xảo CG và rồi cuối cùng lại theo kế hoạch đầu. Có thể nói hai cảnh có Lý Tiểu Long trên phim đều nhờ tôi cứu đấy (Cười).

Ngoài ra, tôi cũng giúp sửa đổi lời thoại của phim khá nhiều vì cảm thấy có nhiều đoạn không được thuyết phục và khá “sân khấu”.

- Đoàn phim về sau đã dùng kỹ xảo CG thay thế phần đầu của Lý Tiểu Long, sao không phải toàn bộ cơ thể ông?

Như vậy sẽ rất tốn kém và khó thành công bởi phải dùng gương mặt người thật và xử lý hậu kỳ bằng kỹ xảo mới có thể sinh động và chân thực. Hơn nữa đây không phải bộ phim viễn tưởng về một siêu anh hùng nên không cần thiết phải sử dụng kỹ xảo toàn bộ cơ thể của Lý Tiểu Long.

- Vì sao nhận vật Lý Tiểu Long lại do Trần Quốc Không đóng chứ không phải người nào khác?

Trần từng thủ vai Lý Tiểu Long và có ngoại hình rất giống ông ấy nên khó có thể mời ai thay thế. Nhân vật này cũng không quan trọng trong phim. Khán giả muốn có hình ảnh Lý Tiểu Long thì đoàn phim đã cho ông "hồi sinh" và công này thuộc về Trần Khôn. Dù có tìm người nào đi nữa thì khán giả cũng có cảm giác đó không phải Lý Tiểu Long.

img

Cảnh Diệp Vấn tập luyện với cột nhân mộc.

- Tình tiết Diệp Vấn té nước về phía Lý Tiểu Long trong khi Lý dùng chân đá nước. Đây có phải là sự kết hợp “Triết học cốc nước” nổi tiếng của Lý Tiểu Long?

Đúng vậy, nội dung phim mong muốn kết hợp tinh thần của bộ phim Tiệt quyền đạo của Lý Tiểu Long nhằm giúp khán giả cảm nhận được những lý tưởng của ông có xuất phát điểm từ Diệp Vấn mà nên.

Trong phim có cảnh Diệp Vấn vừa mở cửa nhưng không nói năng gì, Lý Tiểu Long thấy Diệp Vấn đứng nhìn cửa thì liền bỏ đi. Sau đó lúc gặp lại Diệp Vấn có nói: ‘Ta không nói là không nhận con, tự con bỏ đi thôi’. Đây chính là sự mở rộng quan niệm mang tính Thiền thông phật giáo của Lý Tiểu Long: Dĩ vô pháp vi hữu pháp, dĩ vô hạn vi hữu hạn (lấy vô pháp thắng hữu pháp, lấy vô hạn thắng hữu hạn).

- Nói đến cảnh giao đấu giữa Diệp Vấn với Mike Tyson, xét về thực chiến thì Vịnh Xuân “ăn đứt” quyền anh?

Trước hết tôi có suy nghĩ riêng của mình nhưng không muốn đề cập đến bình luận trên bởi nó liên quan đến giới võ thuật. Thứ hai, điều này không liên quan đến việc đóng phim của tôi. Thực tế Lý Tiểu Long cũng vậy, ông ấy vốn học Vịnh Xuân truyền thống và sau khi đến Seatles đã giao đấu cùng nhiều người và phát hiện Vịnh Xuân ắt có điểm yếu.

Quyền anh với Vịnh Xuân đều có thế mạnh riêng nên tôi không dám lạm bàn. Đơn giản mà nói, bạn xem phim của Chân Tử Đan sẽ thấy tôi tôn sùng võ thuật ra sao, xem phim hiện đại của tôi bạn cũng biết rồi đấy. Còn khi quay Diệp Vấn nhất định chúng tôi muốn tập trung vào môn võ Vịnh Xuân, bạn hiểu ý tôi rồi đấy.

img

Chân Tử Đan và Mike Tyson trò chuyện trên trường quay.

- Cảnh giao đấu giữa Diệp Vấn với Mike Tyson anh đã bị trúng những cú quyền của “cựu hoàng boxing” và nhân vật của anh có chút bị khuỵu chân lảo đảo. Đó chắc chắn không phải ý đồ của Viên Hòa Bình mà chính anh sáng tạo?

 Đúng là do tôi sáng tạo. Tôi cũng thường góp ý khi Viên Hòa Bình cùng đội sáng tác võ thuật làm việc. Tất nhiên sư phụ tôi (Viên Hòa Bình) rất vui vì điều này. Không những vậy thầy cũng thường hỏi tôi xem như vậy được chưa và cùng thảo luận muốn dùng Vịnh Xuân thắng quyền anh phải thật hợp lý và logic.

Tôi thường quay cảnh hành động nên tôi hiểu, khi thiết kế võ thuật phải giúp người xem hiểu, ngay cả những người không hiểu võ thuật cũng hiểu.

- Nhưng sau đó liên tiếp hai lần Diệp Vấn vẫn bị trúng đòn.

 Lúc đầu tôi nói để Diệp Vấn dính đòn đối thủ nhưng Viên Hòa Bình khá lo và cho rằng như vậy thì mất mặt Vịnh Xuân quyền quá, đâu còn là kungfu nữa. Nhưng tôi nói không sao, trúng đòn một hai lần “không nhằm nhò gì” vì khi bị đánh có thể là judo hay đấu vật, nhưng tôi sử dụng Vịnh Xuân của Diệp Vấn, từ đó biến hóa giúp phim trở nên gay cấn hơn.

img

Cảnh giao đấu giữa Chân Tử Đan và Mike Tyson.

Lúc đầu sẽ để Mike Tyson lấn át tôi, sau đó tôi mới dùng lực ra đòn tấn công anh ấy liên tiếp. Viên Hòa Bình có hỏi sao tôi lại dùng chiêu này, tôi cho rằng trong tình thế đó buộc phải sử dụng chiêu thức tấn công như vậy, vốn là tiêu chí hành động được sử dụng trong phần 1 và 2 trước đó.

Hơn nữa khi Mike Tyson bị đánh gục trên sàn, bạn phải tiếp tục giáng thêm đòn, đó chính là quyền anh nhà nghề và khá hợp lý.

- Nhưng khán giả nhìn từ góc độ của Mike Tyson có thể thấy, một cú đòn của anh ấy cực mạnh, có thể đánh bay Diệp Vấn, liệu khi trúng đòn Diệp Vấn có trụ nổi không?

 Đúng là trong phim có phần khoa trương một chút nhưng tôi thấy không có vấn đề gì. Khán giả xem thấy hay là được rồi. Nhìn một cách tổng quát thì cảnh phim đó khá tốt, quay rất đẹp.

- Cảm ơn anh về những chia sẻ!