Bộ Công Thương hôm nay (14.3) chính thức lên tiếng lần đầu tiên về việc “DN xăng dầu hưởng lợi ngàn tỷ vì lỗ hổng thuế”.
Bộ Công Thương cho biết, theo điểm b Khoản 2 Điều 40 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong công thức tính giá cơ sở đối với sản phẩm xăng dầu thì mức thuế nhập khẩu là mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN).
Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đề nghị và phối hợp với Bộ Tài chính sớm có giải pháp tài chính tổng thể xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các FTA theo cam kết hội nhập quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích của nhà nước; các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng.
Trước đó, dư luận liên tục phanh phui mức lãi khủng của các doanh nghiệp xăng dầu là nhờ hưởng lợi từ 'độ vênh' trong tính giá xăng dầu hiện nay của Liên Bộ Công Thương- Tài chính?
Cụ thể, trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu dùng làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước, Liên Bộ vẫn áp dụng với các mức thuế nhập khẩu MFN theo Thông tư 78 ngày 20.5.2015 với xăng là 20%, dầu diesel và madut 10%, dầu hỏa 13%.
Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp xăng dầu có thể linh hoạt tận dụng được mức thuế thấp hơn nhiều khi nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN.
Cụ thể, Thông tư 165 của Bộ Tài chính ban hành tháng 11.2014 có hiệu lực từ 1.1.2015 đã quy định, các mặt hàng dầu như diesel, dầu hoả từ ASEAN chỉ có 5%, madut là 0% và từ năm 2016, tất cả các mặt hàng dầu từ khu vực này sẽ hưởng thuế 0%. Đặc biệt, cũng từ năm nay, xăng nhập về cũng chỉ có thuế là 10%, thấp hơn một nửa so với thuế MFN và mức thuế xăng trong ASEAN.
"Đây có thể là nguyên nhân khiến các DN xăng dầu lãi lớn như vây?", một chuyên gia đặt câu hỏi. Trong khi đó, giải trình về mức lãi khủng của mình mới đây, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có một cách gọi khá kỹ thuật là do: "thay đổi phương thức tính giá mua hàng nhập khẩu phù hợp với diễn biến thị trường".
Từ tháng 1/1/2015-14/4/2015, mức thuế nhập khẩu được liên bộ Tài chính - Công Thương áp dụng khi tính giá bán lẻ với xăng, dầu hoả, dầu madút (35%), dầu diesel (30%), nhiên liệu bay (25%). Trong khi Thông tư 165 đã có hiệu lực từ 1/1/2015, như vậy doanh nghiệp xăng dầu có chứng nhận xuất xứ nhập từ ASEAN sẽ được hưởng mức thuế chênh lệch tới 15% với xăng, 25% với diesel, 20% với nhiên liệu bay và 30% đối với dầu ma dút, dầu hoả. Với mức giá CIF ở thời điểm ngày 20/1 là 56,39 USD/thùng với xăng RON 92, diesel khoảng 65 USD/thùng thì mức chênh lệch người dùng phải chịu thiệt tương ứng là gần 1.100 đồng với xăng và 1.300 đồng với diesel. |