Dân Việt

Trưởng đoàn ĐBQH Nam Định ủng hộ nhà báo Trần Đăng Tuấn ứng cử

Lương Kết (thực hiện) 14/03/2016 18:30 GMT+7
"Trước việc anh Trần Đăng Tuấn ra ứng cử ĐBQH, tôi thấy rất vui. Khi được hỏi có lựa chọn người như anh Tuấn vào Quốc hội không, tôi đã nói là nhất định tôi sẽ bầu cho anh Tuấn", Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn khẳng định như vậy khi trao đổi với Dân Việt.

Thưa ông, ông có suy nghĩ gì khi nhà báo Trần Đăng Tuấn - Tổng giám đốc Truyền hình An Viên (AVG), cựu Phó Tổng giám đốc VTV - tự ra ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH)?

- Anh Trần Đăng Tuấn là người học trước tôi một năm ở Trường THPT Lê Hồng Phong (Nam Định), cùng ở Đội tuyển học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc những năm trước 1975. Anh Tuấn ngày trước học rất giỏi, làm thơ rất là hay. Anh Tuấn học xong THPT đã đi học ở nước ngoài. Tôi nhớ không nhầm anh là Tiến sĩ báo chí đầu tiên của Việt Nam. Anh là con người rất uyên bác, người có những đóng góp lớn cho VTV.

Trở lại câu chuyện anh Tuấn ra ứng cử ĐBQH, tôi thấy rất vui. Khi được hỏi có lựa chọn người như anh Tuấn vào Quốc hội không, tôi nói là nhất định tôi sẽ bầu cho anh Tuấn, vì anh là một con người có ảnh hưởng hết sức tích cực đối với cộng đồng và xã hội. (Ông Tuấn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện giúp trẻ em vùng cao tới trường thông qua chương trình "Cơm có thịt" từ năm 2012. Hiện Quỹ trò nghèo vùng cao do ông làm Chủ tịch quản lý quỹ đang giúp đỡ cơm trưa và áo ấm cho 56 trường học, hơn 5.000 học sinh tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung).

img

ĐBQH Nguyễn Anh Sơn. (Ảnh: VPQH)

Việc ông Trần Đăng Tuấn vừa thông tin lên trang Facebook về việc tự ứng cử ĐBQH đã được rất nhiều người trên cộng đồng mạng chia sẻ bày tỏ sự ủng hộ. Nếu như mạng xã hội được coi là kênh để vận động bầu cử nó sẽ mang lại hiệu quả nhất định gì, thưa ông?

- Xung quanh việc có được vận động qua mạng xã hội hay không, tôi nghĩ việc vận động bầu cử phải theo pháp luật hiện hành, cần phải xem xét kỹ xem được vận động bằng những hình thức nào, loại hình gì, ở đâu, thời gian thế nào... cái đó phải thực hiện cho đúng.

Tuy nhiên ở một khía cạnh tự nhiên, khi có thông tin trên mạng xã hội việc anh Tuấn nộp đơn ứng cử ĐBQH, cộng đồng mạng xã hội bày tỏ sự đồng tình ủng hộ là điều không ai có thể ngăn cản được. Việc như vậy có khi lại là một lợi thế, bởi có nơi, có người trước chưa biết đến anh Tuấn bây giờ họ lại biết. Tôi nghĩ nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của việc bầu cử, ảnh hưởng theo hướng có lợi cho anh Tuấn.

Theo ông, những người nổi tiếng ra ứng cử họ có những thuận lợi thế nào, thưa ông?

- Rõ ràng người nổi tiếng khi ra ứng cử ĐBQH có thuận lợi hơn người không nổi tiếng, nhưng tôi tin rằng những cử tri có tuổi sẽ có sự cân nhắc hơn là lớp cử tri trẻ tuổi. Lớp cử tri trẻ có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố khác khi chọn người hoạt động chính trị.

Tôi biết trong số những người tự ra ứng cử có những người làm trong ngành nghệ thuật như nghệ sĩ, diễn viên, người hoạt động xã hội… Có thể nói nổi tiếng hơn rất nhiều chính trị gia. Nếu cử tri cân nhắc một chút, người ta sẽ phải lưu ý xem nên lựa chọn thế nào để lựa chọn cho phù hợp.

Ông thấy điểm nổi bật trong lần bầu cử Quốc hội khóa XIV có gì khác so với trước?

- Nhiệm kỳ bầu cử ĐBQH khóa XIV có điểm nổi bật là có rất nhiều người tự ứng cử. Họ thuộc thành phần khác nhau trong xã hội. Có những người cả nước biết tên, biết mặt, nhưng cũng có người thậm chí ngay cả hàng xóm láng giềng cũng không biết.

Việc thành phần ra ứng cử ĐBQH đa dạng và phong phú cũng thể hiện rất rõ, càng ngày người dân càng quan tâm đến vấn đề chung của đất nước, đặc biệt là sinh hoạt của Quốc hội càng ngày càng dân chủ, cởi mở. Nhiều người có thể đóng góp nhiều vào hoạt động của Quốc hội, họ tự ra ứng cử là điều rất đáng mừng, không có gì đáng lo ngại.

Tuy nhiên, tôi cũng phải nói cách đặt vấn đề của mỗi người ra ứng cử là khác nhau. Người ta tính toán khả năng thực hiện kế hoạch cũng khác nhau. Khi trở thành ĐBQH để làm được như mong muốn cần có thời gian kiểm nghiệm. Với cơ chế và hoạt động của Quốc hội hiện nay để hoàn thành công việc của người ĐBQH không hề đơn giản.

Tôi rất mong nhiệm kỳ này có nhiều người tự ứng cử trúng cử hơn những nhiệm kỳ trước. Về lâu dài nó sẽ trở thành nếp. Tôi cũng mong những người trúng cử sẽ trở thành người có tiếng nói, có trách nhiệm, có tâm huyết, có bản lĩnh, có trí tuệ để có thể mang tiếng nói của người dân tới Quốc hội và giúp cho Quốc hội đưa ra những quyết sách phù hợp nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với quan điểm và chủ trương, đường lối của Đảng.

Xin cảm ơn ông!

Trải lòng của nữ nhà báo từng ứng cử đại biểu Quốc hội

Nhà báo Vũ Thị Hải (Báo NTNN, ảnh) chia sẻ: "Đó là câu chuyện cách đây đã 10 năm, vào kỳ bầu cử Quốc hội khóa XII (2006- 2011). Tự nhận thấy mình có đầy đủ các tiêu chuẩn để trở thành một người đại biểu của nhân dân như về độ tuổi, khi đó tôi khá trẻ, lại là nữ (đối tượng thuộc diện ưu tiên), có trình độ đại học, có uy tín với cộng đồng (khi đó, tôi mới thực hiện loạt bài phóng sự điều tra phanh phui những tiêu cực trong quản lý đất đai của một số cán bộ quan chức ở Đồ Sơn, Hải Phòng), tôi đã mạnh dạn tham gia tự ứng cử.

img

Cơ quan tôi làm lúc ấy là tờ báo Văn Nghệ Trẻ (phụ trương của Báo Văn nghệ). Khi biết tôi tự ứng cử, anh Trương Minh Tuấn - Phó Tổng biên tập có gọi điện động viên tôi. Ở địa phương, ông Trịnh Quang Sử - nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cũng động viên, khích lệ tôi rất nhiều.

Tôi đã dành khá nhiều tâm huyết để viết các chương trình hành động của mình trong trường hợp trúng cử đại biểu Quốc hội để báo cáo trước cử tri.

Với số phiếu tín nhiệm tuyệt đối tại các hội nghị lấy ý kiến cử tri ở cả đơn vị công tác và nơi sinh sống, tôi tin chắc mình sẽ thuận lợi vào vòng tiếp theo và chuẩn bị rất kỹ cho những ngày tuyên truyền vận động tranh cử. Nhiều cơ quan báo chí khi đó cũng đã ủng hộ, đăng các bài viết, các chương trình hành động của tôi để hỗ trợ tranh cử. Tôi rất tin tưởng vào khả năng trúng với số phiếu cao.

Nhưng đã có một sự cố khiến tôi không có tên trong danh sách bầu cử. Đó là vào trước ngày diễn ra Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 - hội nghị chốt danh sách cuối cùng, Hội đồng bầu cử thành phố đã nhận được thông tin về bằng đại học báo chí của tôi là giả và buộc phải tiến hành xác minh thông tin. Khi kết quả xác minh bằng đại học của tôi là thật, hội nghị đã bỏ phiếu xong, và tôi đã bị đưa ra khỏi danh sách bầu cử.

Thực lòng khi đó tôi cũng rất buồn, nhưng rồi tôi lại tự động viên chính mình: Là đại biểu cũng tốt, mà không là đại biểu, mình cũng vẫn thực hiện được những điều tâm huyết, những lời hứa trước cử tri bằng chính nghề báo của mình. Và, tôi luôn đau đáu về điều đó.

Cho đến nay, tôi đã trải qua nhiều chuyện buồn vui trong đời, nhưng những ngày tham gia tự ứng cử đúng là những kỷ niệm thật khó quên, bởi qua đó, dù mình không được có tên trong danh sách được bầu làm đại biểu, nhưng tôi đã có những trải nghiệm đáng quý. Điều quan trọng là đã mình được tham gia (dù một phần nhỏ) trong vai của người đại biểu có trách nhiệm trước nhân dân trong ngày hội lớn của dân tộc".