Dân Việt

Vì sao Putin ra lệnh rút quân khỏi Syria?

Đức Hoàng (tổng hợp) 15/03/2016 08:04 GMT+7
Không ai biết chắc chắn Tổng thống Nga Putin nghĩ gì trong đầu, nhưng tuyên bố rút quân khỏi Syria có thể là một thông điệp ông Putin muốn gửi đến Syria và các lực lượng trong khu vực về một giải pháp chính trị, giới phân tích nhận định.

Ngày 14.3, Tổng thống Nga Putin đã chỉ thị việc rút các lực lượng quân sự chính của Nga tại Syria từ 15.3. "Tôi cho rằng, những nhiệm vụ được đặt ra trước Bộ Quốc phòng, nhìn chung, đã được thực hiện. Vì vậy, tôi chỉ thị từ ngày mai (15.3) bắt đầu việc rút bộ phận chủ lực của quân đoàn chúng ta khỏi Cộng hòa Ả Rập Syria", ông Putin tuyên bố tại cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.

Ông Putin bày tỏ hy vọng việc bắt đầu rút quân đội Nga khỏi Syria sẽ là kích thích tốt đối với tiến trình đàm phán giữa các lực lượng chính trị ở Syria. Ông Putin cho biết thêm lực lượng quân đội ở lại Syria sẽ tham gia giám sát thỏa thuận ngừng bắn.

img

Tổng thống Putin ra lệnh rút quân lực lượng chính của quân đội Nga ở Syria từ ngày 15.3.

Tổng thống Putin cũng chỉ đạo Ngoại trưởng Lavrov tăng cường sự can dự của Nga trong việc tổ chức tiến trình hòa bình tại Syria.Trong khi đó, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov  cho biết ông Putin đã thảo luận và nhất trí với Tổng thống Syria Bashar al-Assad về quyết định bắt đầu rút quân khỏi Syria. Theo ông Peskov, những gì Tổng thống Putin thảo luận trong cuộc họp với ông Shoigu và Lavrov đều được thống nhất với Tổng thống Assad.

Các nhà phân tích quân sự cho biết, sự can thiệp của Nga đã giúp đẩy lùi phiến quân nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và củng cố vị thế của ông Assad.

Thông báo về việc rút quân này được giới phân tích cho rằng đó là bằng chứng cho thấy ông Putin đang gửi một thông điệp tới Syria và các lực lượng trong khu vực để đạt được một giải pháp chính trị.

Ngoài ra, việc Nga rút quân cũng được cho là sẽ đặt Tổng thống Assad dưới áp lực để đàm phán cuối cùng về quá trình chuyển đổi chính trị hòa bình tại Geneva rằng sẽ đảm bảo sự tiếp nối của một nhà nước Syria.

Ông Lakhdar Brahimi cựu đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả Rập về Syria trong một bình luận trước đó cho rằng: "Tôi nghĩ cần ghi nhận rằng Nga hiểu biết thực tế tình hình rõ hơn tất cả những nước còn lại. Mọi người nên lắng nghe Nga nhiều hơn. Người Nga biết thực trạng tình hình ra sao".

Trong khi đó,  Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tố cáo chế độ ông Assad ở Syria tìm cách phá hoại cuộc hoà đàm dự trù diễn ra ở Geneve trong ngày 14.3.

Ngoại trưởng Kerry mô tả Tổng thống Syria Bashar al-Assad là "một kẻ phá đám" và cho biết chế độ Assad là kẻ vi phạm cuộc ngưng bắn Syria nhiều nhất.