Không biết tự bao giờ người dân miền Tây Nam Bộ hát ru em bằng câu ca dao đầy hình ảnh này: “Hết mưa cá sặt lên gò; Thấy em đặt nò anh để ý anh thương; Trời mưa cá sặt xuống mương; Nò em, em đặt hay anh thương cái nò,… ».
Cá sặt là loài cá nhỏ có màu sắc khá sặc sỡ. Cá sặt sống chủ yếu ở mương rạch. Ngày trước, khi cá lóc, cá trê, cá rô, còn bao la thì người ta cũng chẳng mấy ai quan tâm đến cá sặt. Bởi loại cá này con không lớn, xương tương đối nhiều, nên mất công làm, lại tốn công ăn, vì phải chịu khó gỡ xương, … Khi tát mương, dỡ chà cá sặt đong bằng táo, bằng giạ, khi ấy người chỉ còn cách đem cá sặt làm mắm hoặc phơi khô.
Bằm cá làm chả.
Ngày nay, khi dân số tăng nhanh, nguồn lợi tự nhiên bị khai thác quá mức nên nhiều loài cá cũng ít dần đi. Cá sặt trở nên hiếm gặp. Mỗi khi được chục ngoài con cá sặt, người ta nghĩ ra nhiều cách chế biến các món ngon. Dù không bằng chả cá thác lác hay chả cá thu ở miệt biển, nhưng chả cá sặt vẫn có sức hấp dẫn người miền quê trong bữa cơm chiều.
Cá sặt làm sạch, rửa rồi để cho ráo nước. Có người còn đem phơi sơ qua dưới nắng. Dùng dao bén bằm cá trên thớt cây. Phải chịu khó tốn công để bằm thật nhuyễn cho xương, da, thịt cá quện chung lại. Chả cá bằm xong cho ra tô, dùng muỗng đánh thêm lần nữa. Làm như vậy chả cá mới dai. Khi nêm nước mắm, bột ngọt, tiêu xay nhuyễn cho đậm đà có người lại thêm ít bột mì vào quết chung. Làm như vậy, chả vừa dai, ngon lại … đỡ hao bởi cá ít.
Miếng chả cá vừa chiên vàng.
Chả quết xong thì bắc chảo lên bếp cho nóng. Chế dầu, mỡ nhiều, ước chừng ngập được miếng chả chiên. Dùng muỗng xắn từng miếng chả đã quết thả vào. Sức nóng làm cho chả vàng rượm, thơm phức. Gắp những miếng chả cá sặt chiên ra, để ráo mỡ. Dọn chả chiên với nước mắm ngon pha nước cốt chanh, ít đường, cùng tỏi, ớt bằm nhuyễn. Thêm vài đọt chùm giuộc, vài trái chuối chát, khế chua hái ngoài vườn là có được bữa cơm đã miệng.
Chả cá sặt chiên tuy làm hơi tốn công nhưng bù lại trong bữa cơm chiều, cả nhà được quây quần bên nồi cơm gạo mới với tình yêu thương chan chứa.