Như NTNN/Dân Việt đã thông tin, Bộ Ngoại giao thông báo việc các cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết sẽ triển khai kế hoạch xả nước khẩn cấp trong thời gian từ ngày 15.3 đến 4.4.2016 trên thượng nguồn sông Mekong để giúp Việt Nam chống hạn và xâm nhập mặn. Vấn đề nhiều người quan tâm lúc này là Trung Quốc sẽ xả bao nhiêu nước, xả bao lâu...
Trung Quốc chưa trả lời cụ thể
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, trong Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi tới Đại sứ quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc xả nước từ tháng 3 đến tháng 8.2016, trong đó từ tháng 3 đến tháng 5, mỗi tháng sẽ có 6 đợt xả (gồm 7.3; 21.3; 5.4; 20.4; 4.5; 19.5), mỗi đợt xả liên tục trong 7 ngày, lưu lượng xả đề nghị là 2.300m3/giây. Ngoài các đợt xả trên, đề nghị vận hành liên tục tối thiểu 40 - 60% số tổ máy. Từ tháng 6 đến tháng 8 sẽ xả liên tục, đề nghị xả theo khả năng nguồn nước đến, lưu lượng xả từ 1.740 – 2.890m3/giây.
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), đập thủy điện Jinghong (Cảnh Hồng) của Trung Quốc sẽ xả nước về hạ lưu sông Mekong, giúp Việt Nam chống hạn và đẩy lùi xâm nhập mặn.
Ảnh: T.L
Ngày 15.3, trao đổi với NTNN, lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cũng xác nhận, Việt Nam đã gửi tới Trung Quốc bản đề nghị chi tiết về lưu lượng, thời gian và số đợt xả cụ thể đối với hồ thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong nhằm góp phần hỗ trợ gia tăng lượng nước để góp phần giảm bớt thiệt hại do hạn hán cho nhân dân Việt Nam tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đề nghị của Việt Nam chi tiết và rõ ràng như vậy, nhưng theo ông Nguyễn Văn Tỉnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, phía Trung Quốc mới chỉ phúc đáp là họ sẵn sàng hỗ trợ xả nước, còn cụ thể lịch xả nước ra sao, mức xả bao nhiêu thì phía bạn chưa có phản hồi cụ thể.
Ông Tăng Quốc Chính – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi, cho rằng: “Phía Trung Quốc đã có những phản hồi tích cực, tuy nhiên việc này cần phải từ từ không thể nóng vội được. Họ cần có thời gian để các bộ, ngành liên quan bàn bạc và đưa ra quyết định thống nhất”.
Trong ngày 14.3, trả lời NTNN, Thứ trưởng Bộ NNPTNT ông Hoàng Văn Thắng cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Ngoại giao tiếp tục bám sát để thúc đẩy phía Trung Quốc sớm có phương án xả nước cụ thể từ các hồ chứa thủy điện”.
“Đừng quá kỳ vọng”
"Chúng ta cần có ngay công văn hoặc hỏi họ xem kế hoạch xả nước cụ thể của họ thế nào. Thông tin từ 15.3 thì phía họ bắt đầu xả, nếu không nắm được kế hoạch xả nước để tính toán phương án nhận và sử dụng nước khi nước chảy xuống đến Việt Nam thì rất khó mà chống hạn và xâm nhập mặn”. GS - TS Tăng Đức Thắng |
Chiều 15.3, trao đổi với NTNN về vấn đề Trung Quốc chậm hồi đáp cụ thể về kế hoạch xả nước, GS -TS Tăng Đức Thắng - Phó Giám đốc Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam bày tỏ lo lắng: “Nếu chúng ta không nắm được phía Trung Quốc đang tích giữ tổng cộng bao nhiêu m3 nước ở thượng nguồn thì lượng nước mà chúng ta đề nghị họ xả để chống hạn, xâm nhập mặn, cứu lúa… là bất khả thi”.
Ông Thắng cho biết, theo thông tin mà ông có được, phía thượng lưu Trung Quốc do ảnh hưởng của El Nino nên nhiều vùng cũng khô hạn. Có thể tình trạng khô hạn của họ không nghiêm trọng như Việt Nam. Họ xây rất nhiều thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mekong và vào tích nước chờ tới mùa khô phát điện sản xuất. “Theo tôi, nhẽ ra trong công hàm mình phải hỏi rõ phía Trung Quốc đang tích giữ tổng cộng bao nhiêu m3 nước trên thượng nguồn sông Mekong. Chỉ khi chúng ta nắm được con số này thì mới đề nghị được lượng xả khả thi. Chúng ta mà không nắm được thì đương nhiên sẽ rất thiếu thực tế” – GS-TS Tăng Đức Thắng nói.
Ông Thắng nhấn mạnh rằng: “Thông tin phía thượng lưu Trung Quốc cũng hạn nặng là chính xác. Do vậy, trong bối cảnh này, chúng ta cũng đừng “trông chờ” và kỳ vọng rằng lượng nước mà họ xả ra sẽ đạt như yêu cầu và mong đợi của ta là xả 2.300 m3 nước mỗi giây, thời gian xả nước trong 134 ngày”.
Cùng chung quan điểm với ông Thắng, PGS -TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng việc đề nghị Trung Quốc xả nước chống hạn và xâm nhập mặn với các con số cụ thể như trong công hàm là không đơn giản. Lý do là phía Trung Quốc cũng bị thiếu nước và hạn hán, nếu xả nước thì cũng chỉ xả với số lượng rất ít. “Từ thượng nguồn Trung Quốc về ĐBSCL cách tới 4.000km nên lượng nước rất ít này sẽ bị một số nước bạn như Thái Lan, Campuchia, Lào tận dụng để cứu hạn cho họ. Mặt khác, phần lớn diện tích lúa ở ĐBSCL đã bị thiệt hại, nhiều vùng ngọt hoá đã bị mặn xâm nhập nên việc xả đập coi như quá chậm, không có ý nghĩa” - ông Tuấn nói.
Ông Lê Văn Đời – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang: Không hy vọng! Tỉnh Hậu Giang chưa bao giờ bị hạn, mặn như năm nay, diện tích thiệt hại lớn và sẽ còn tăng trong thời gian tới. Hậu Giang rất cần nước ngọt, tuy nhiên, về thông tin, phía Trung Quốc xả đập thuỷ điện không khiến chúng tôi vui được, bởi khả năng nguồn nước này sẽ bị các nước bạn hoặc các tỉnh phía Bắc tận dụng trước khi về đến đất lúa tỉnh Hậu Giang. Chúng tôi rất mệt trong công tác phòng chống hạn, mặn và không có hy vọng gì về nguồn nước trên thượng nguồn. Ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu: Có lợi lớn khi nước bạn xả đập Bạc Liêu nói riêng và các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL có lợi rất lớn khi Trung Quốc xả nước khẩn cấp xuống hạ lưu sông Mekong. Bạc Liêu nằm ở cuối nguồn sông Hậu, nên khô hạn khốc liệt trong những tháng vừa qua đã làm cho lượng nước ngọt trên địa bàn tỉnh này bị cạn kiệt, mặn lấn sâu vào các con kênh. Nếu trong ngày 15.3, Trung Quốc xả nước, thì nguồn nước ngọt từ sông Hậu dẫn về Bạc Liêu thông qua tuyến Kênh Quản lộ Phụng Hiệp sẽ có trong 4 ngày tới. Chúng tôi đã đặt mọi hệ thống thủy lợi nằm tiếp giáp với tỉnh Sóc Trăng trong tư thế sẵn sàng, và sẽ mở cống để đón nguồn nước ngọt khi nước về. Ông Huỳnh Ngọc Vân – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng: Sẵn sàng đón nước ngọt Nước ngọt dẫn từ sông Hậu về thông qua hệ thống thủy lợi ở Long Phú – Tiếp Nhựt; vùng Quản lộ Phụng Hiệp; hệ thống ở huyện Kế Sách… tất cả các hệ thống thủy lợi này đang trong tình trạng chờ nước, và sẵn sàng mở cống đón lượng nước ngọt đổ về. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, ngay khi tiếp nhận nguồn nước ngọt phải thông báo rộng rãi đến người dân trên toàn tỉnh, nhằm cho nông dân chủ động lấy nước vào đồng ruộng, hạn chế thiệt hại. Nếu có nước ngọt trong vài ngày tới thì diện tích thiệt hại theo dự kiến từ 30 - 70% sẽ giảm xuống đáng kể. Người dân đang thiếu nước ngọt để tưới tiêu cho đồng lúa xuân hè đang trổ bông. Trước thông tin này, Chi cục Thủy lợi đã cử cán bộ theo dõi quan trắc hai lần trong ngày. Và khi có nguồn nước ngọt về, chúng tôi sẽ triển khai dẫn nước tới các vùng nội đồng đang cần nước ngay. HUỲNH XÂY – HOÀNG HẠNH (ghi) |