Theo The Diplomat, hầu hết các hoạt động đối nội - đối ngoại của Triều Tiên đều nhằm đạt mục tiêu giữ vững nền tự trị. Vậy nên, Triều Tiên thà sẵn sàng đón nhận mọi lệnh trừ phạt chứ nhất định không từ bỏ vũ khí hạt nhân. Có thể những biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến lãnh đạo Kim Jong Un không có được những món hàng xa xỉ như loại pho mát Thụy Sĩ khoái khẩu, nhưng những mất mát ấy không là gì so với viễn cảnh “ngã ngựa” thê thảm như cựu tổng thống Libya Gaddafi.
Những lệnh trừng phạt Triều Tiên dù cứng rắn đến đâu, kể cả kiểm tra gắt gao mọi hàng hóa vận chuyển đến hoặc vận chuyển từ Triều Tiên, thì vẫn không đủ gây sức ép Triều Tiên giã từ vũ khí hạt nhân.
Suốt gần 30 năm qua, Triều Tiên vốn đã quá quen và “miễn dịch” với những lệnh trừng phạt. Triều Tiên từng mạnh mẽ tuyên bố: “Thật sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng các lệnh trừng phạt sẽ có tác dụng với Triều Tiên”.
Lãnh đạo Kim Jong Un ký sắc lệnh thử hạt nhân ngày 15.12.2015.
Tất nhiên, việc trừng phạt Triều Tiên đạt hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào việc Trung Quốc có sẵn sàng áp dụng những lệnh trừng phạt này trong thời gian dài không. Run rủi thay, chẳng có gì đảm bảo cho điều này vì Trung Quốc thường “nổi tiếng” là lỏng tay trong việc thực thi những lệnh trừng phạt Triều Tiên trước đây. Vậy nên, chính các doanh nghiệp địa phương khẳng định rằng những lệnh trừng phạt sẽ không thể tác động lớn đến giao dịch kinh doanh giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nói: “Mục tiêu của lệnh cấm vận là ngăn chặn những nỗ lực phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bình Nhưỡng”. Song, dường như điều này không đạt được mà còn khiến dân chúng Triều Tiên thêm ủng hộ Kim Jong Un. Đây vốn là thành quả của chiến dịch tuyên truyền khôn khéo rằng vũ khí hạt nhân sẽ giúp Triều Tiên bảo toàn chủ quyền.
Song Hyo-il - một công dân Triều Tiên - đã mạnh mẽ trả lời phỏng vấn của hãng tin AP: “Sẽ chẳng có lệnh trừng phạt nào có tác dụng với chúng tôi vì chúng tôi đã sống chung với lệnh cấm vận của Mỹ suốt nửa thế kỷ đấy thôi!”.
Một trong những chiến thuật chính trị của Kim Jong Un là khôn khéo dùng các công cụ tuyên truyền để xây dựng bản thân “là người luôn tận tụy bảo vệ an ninh quốc gia trước bao thế lực bên ngoài nhăm nhe tấn công”.
Kim Jong Un cũng không ngừng chế nhạo Hàn Quốc đã buông bỏ văn hóa riêng khi trở thành con rối trong tay Mỹ. Còn đối với Bình Nhưỡng, niềm tin tưởng tuyệt đối của dân chúng vào lãnh đạo sẽ giúp đất nước luôn độc lập, mạnh mẽ, bất chấp mọi lệnh trừng phạt. Nếu không làm được điều này, Triều Tiên sẽ bị hủy hoại và đánh mất nền “văn hóa thuần khiết” của riêng mình.
Vậy nên, theo The Diplomat, mọi biện pháp trừng phạt Triều Tiên khó có thể đạt được hiệu quả như đối với Libya. Các lãnh đạo Triều Tiên như Kim Jong Il, Kim Jong Un đã khắc cốt ghi tâm bài học Gaddafi và vũ khí hạt nhân là cứu cánh duy nhất. Các lệnh trừng phạt có thể làm kinh tế Triều Tiên lao đao, thậm chí kiềm hãm tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân, song, sẽ không bao giờ có thể khiến Triều Tiên từ bỏ sức mạnh này.