Chặng đường gian khổTôi gặp ông- người lính già 80 tuổi ấy lần cuối vào trước năm 2006. Hình ảnh Thiếu tướng Nguyễn Chuông lúc đó, gầy gò gương mặt khắc khổ vẫn hằn sâu vào trí nhớ của tôi, nhưng sâu hơn cả là những chuyện ông kể. Sau Cách mạng tháng 8, chàng trai nông dân mới 16 tuổi, vì bố mất nên chiều lòng mấy ông chú đành lấy vợ. Nhưng ngay lập tức anh thực hiện cùng một lúc hai cuộc trốn- trốn vợ và trốn làm chồng - để gia nhập quân giải phóng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) hỏi chuyện Thiếu tướng Nguyễn Chuông.
Sau gần 9 năm trận mạc, vào chiến dịch Điện Biên ông đã là tiểu đoàn phó. Đến địa điểm tập kết ở ngoại vi Điện Biên, tiểu đoàn ông được nghỉ 3 ngày làm lán trại, ổn định ăn ở, tắm giặt, nghỉ ngơi, lĩnh súng đạn bổ sung, lĩnh gạo, thực phẩm để sau đó bắt tay ngay vào việc làm 2km đường kéo pháo, bên là núi cao, bên là vực sâu, và cuối cùng là phải vượt ngọn núi An Tao cao 1.100m.
“Làm đường núi hoàn toàn bằng lao động thủ công đã khó, đã khổ, nhưng kéo những cỗ pháo nặng 2,4 tấn còn khó, còn khổ, còn nguy hiểm hơn nhiều. Tô Vĩnh Diện đã hy sinh khi cùng đồng đội kéo pháo chính ở đây. Mà anh biết không, lực lượng làm đường, chủ lực là bộ binh chúng tôi nhé. Kéo pháo vào, chủ lực cũng là cánh bộ binh chúng tôi nhé”- ông kể.
Sang đợt II của chiến dịch Điện Biên Phủ, E165- trong đó có D115 mà Nguyễn Chuông, giờ là tiểu đoàn trưởng được lệnh đánh sân bay Mường Thanh. Mưa phùn lay phay đầu mùa làm cho đất Mường Thanh mềm ra, lưỡi xẻng cắm xuống sâu hơn: “Hầm hào càng nhanh sâu, càng sớm che chở chúng tôi. Nhưng, những trận mưa nặng hạt thì quá tệ. Nước dồn xuống lòng hào giao thông, nhão nhoẹt, lõng bõng những nước cùng bùn. Mọi việc đi lại, ăn, ngủ, vệ sinh và chiến đấu phải diễn ra trong lõm bõm bùn nước tới đầu gối, có khi ngập đến thắt lưng!”- ông nhớ lại.
Giữa sự sống và cái chết…Hôm ấy D115 của Nguyễn Chuông, sau 3 ngày đêm đào hào xuyên qua hàng rào dây thép gai, mở đột phá khẩu vây lấn điểm cao 105 ở bắc sân bay Mường Thanh. Khi được lệnh đánh thọc sâu vào trung tâm, kiểm lại quân số tiểu đoàn- chỉ còn 75 người. 75 người sau 3 ngày đêm vừa đào hào vừa đánh địch đã kiệt sức. Nhìn vào đôi mắt các chiến sĩ, ông tin rằng những thân thể mệt mỏi đầy bùn đất kia vẫn đủ sức cùng ông xông lên tiêu diệt căn cứ này theo đúng chiến thuật- vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt.
Sau 20 phút pháo binh ta bắn cấp tập trùm bão lửa lên căn cứ địch, toàn tiểu đoàn xuất kích, chiếm được sở chỉ huy địch, bắt 25 tên. D4 vẫn quần nhau với địch trong vòng lửa khói. Ta lại bắt được 35 tù binh nữa, chiếm 3/4 đồn địch. Chúng co lại cố thủ ở góc đồn phía nam. Quân địch được tăng viện ở vòng ngoài hình thành thế bao vây, hãm mấy chục chiến sĩ còn lại của tiểu đoàn Nguyễn Chuông vào vòng vây. Trung đoàn điều 2 đại đội đánh vào giải vây, nhưng không thành. Nguyễn Chuông cho rút.
Sau 6 đợt rút lui, chỉ có 9-10 chiến sĩ thoát qua được quãng đường máu lửa 40m dưới hoả lực dày đặc của địch, để nhảy xuống chiến hào vây lấn của ta. Cả tiểu đoàn chỉ còn 2 tổ: Các cán bộ chỉ huy tiểu đoàn và đại đội đã hy sinh cả. Chỉ còn mình ông bị một vết thương vào đùi, máu tuôn xối xả. Ông cho phá hết các ụ súng địch (tù binh đã kịp đưa ra trước khi bị vây hãm), chuẩn bị cùng anh em rút đợt cuối cùng, nhưng khẩu đại liên của địch đã vãi đạn đuổi theo, quật ông và các chiến sĩ ngã xuống. Ông bị một viên đại liên xuyên thấu qua người, nhưng vẫn tỉnh táo. Vừa lấy tay ôm ngực, xoay cho chiếc áo trấn thủ dài tay chệch đi khỏi tư thế mặc bình thường để chỗ áo còn lành che kín vết thương, rồi nằm dán xuống đất ép chặt vết thương. Thế mà cầm được máu mới lạ. Sau này, khi đi thăm lại chiến trường, ông làm một bài thơ, trong đó có mấy câu: Đất đã che chở tôi/Tôi đã từng giữ đất/Và khi tôi bị thương/Đất ngăn dòng máu xót.
Ông kể tiếp: “Tôi đưa mắt quan sát còn 6-7 chiến sĩ đều nằm rải rác gần đó. Địch chiếm lại được đồn, củng cố công sự, lùng sục xung quanh. Một tốp ra chỗ ông nằm. Tên chỉ huy lấy thuốc lá ra hút rồi lệnh cho lính lần lượt nã đạn vào tất cả các chiến sĩ ta bị thương nằm đó. Người gần nhất là tôi. Tôi thấy nhói đau khắp người, cả hai tay, hai chân, đầu, cánh tay nữa. Chắc không có viên nào vào chỗ phạm nên tôi vẫn còn cựa quậy. Chúng lại bắn thêm 2 loạt đạn nữa rồi mới bỏ đi. Lúc ấy khoảng 11 giờ trưa”.
Giữa chiều, ông tỉnh lại vì có tiếng động. Thế là ông và 2 người lính nữa, ngẫu nhiên sống sót sau vụ địch bắn tù binh. Trong trại, ông gặp hơn một trăm cán bộ chiến sĩ các đơn vị bạn, bị địch bắt trong những hoàn cảnh khác nhau trước đấy. Nhưng ông là cán bộ có chức vụ cao nhất bị địch bắt ở Điện Biên Phủ.
"Vào thời điểm giữa tháng 4.1945, địch bị dồn tới chân tường rồi. Thế thua đã rõ. Vì thế địch càng lúng túng. Việc hỏi cung tù binh cũng chỉ diễn ra qua loa. Những người lính Angiêri, Marốc, Tuynidi chống lại lệnh chỉ huy cũng bị dồn về đây, làm nhiệm vụ canh giữ tù binh. Họ có cảm tình với ta. Các phu người Việt, bị bắt phục dịch cho địch, cảm phục các chiến sĩ ta nên cũng tạo điều kiện và giúp đỡ anh em trong sinh hoạt”. Cố Thiếu tướng Nguyễn Chuông
|
Một thầy thuốc quân y và một nữ y tá người Pháp đến kiểm tra những vết thương của ông. Rồi họ cho người băng bó các vết thương, bó bột cánh tay gẫy của ông. Có ý nghĩa nhất đối với ông là được tổ chức Đảng bí mật của trại tận tình bảo vệ, chăm sóc chu đáo vết thương, cũng như trong sinh hoạt nên ông không bị lộ chức vụ.
Được chi bộ cử làm bí thư, thế là lại bắt tay vào việc củng cố tinh thần đồng đội, tổ chức lại sinh hoạt, giúp đỡ nhau và “biên chế” thành 2 đội. Đội khoẻ sẽ lo việc cáng anh em ốm đau, bị thương ra. Đội yếu sẽ phối hợp dẫn đường bộ đội chiến đấu.
Ông và các bạn cũng không phải chờ lâu. Chỉ nửa tháng sau, cờ đỏ sao vàng đã tràn vào như nước vỡ bờ. Cờ trắng lũ lượt thất thểu đi ra. Ông được đưa ra trạm quân y tiền phương, do 4 dân công (ông vẫn nhớ tên là Hành, Bái, Khánh, Hải) thay nhau cáng đến đỉnh đèo Pha Đin mới có xe ô tô đón chở về bệnh viện hậu phương ở Yên Bái.
Có dịp trò chuyện cùng ông, rất dễ nhận ra vẻ hóm hỉnh, thích tếu táo với cánh lính trẻ của người lính già đánh trăm trận, thắng chín chín, chỉ một trận nửa thắng nửa thua.
“Cả đời lính, bác có áy náy, băn khoăn gì không?”- Tôi hỏi.
– Nhiều chứ. Ngay cái trận tôi bị bắt ở Điện Biên Phủ ấy. Cùng sống với anh em có mấy mươi ngày mà tưởng như mấy mươi năm. Không biết sau đó họ thế nào, ai còn, ai mất? Đời người bao thăng trầm, sướng khổ, buồn vui... Không thấy sách vở, báo chí nào nói đến họ. Tôi không biết bất cứ tin tức gì về một ai trong số họ. Cũng nhắn tin trên báo rồi mà không một ai đôi hồi”.
Năm 2006, sau chuyến đi công tác dài ngày về, tôi gọi điện hỏi thăm thì được biết ông đã qua đời. Người lính già sao không đợi thêm tháng nữa, đến ngày 7.5, để thêm một lần nhớ lại một thời Điện Biên Phủ, bác Chuông ơi!