Dân Việt

Tín dụng đen núp bóng mua nhà, đất

Trần Vũ 17/03/2016 07:45 GMT+7
Chính quyền ra tay cứu giúp các nạn nhân. Họ tiếp tục cho hay có nguy cơ mất nhà, đất vì vay tiền nhưng lại ký vào hợp đồng mua bán nhà, đất.

Nạn tín dụng đen đang hoành hành ở Cà Mau nên chiều 10.3, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch tỉnh này, có cuộc họp khẩn với các cơ quan liên quan, chỉ đạo khẩn trương rà soát và xử lý nghiêm minh vấn đề tín dụng đen.

Làn sóng kêu cứu

Tại cuộc họp, ông Hải nêu ra hướng giải quyết trước mắt là cho tạm dừng thi hành án đối với những vụ án liên quan đến hoạt động cho vay ngoài các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Công an, tòa án, VKS được giao chỉ đạo quyết liệt làm rõ các hoạt động cho vay, nếu có dấu hiệu tội phạm phải xử lý ngay, xử lý nghiêm khắc nhất…

Về nạn tín dụng đen này, ngày 16.3, tiếp xúc với nhiều nạn nhân của việc cho vay nặng lãi, họ tiếp tục cho hay có nguy cơ mất nhà, đất vì vay tiền nhưng lại ký vào hợp đồng mua bán nhà, đất.

Bà Lê Thị Vạn, ấp Đầm Cùng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước (Cà Mau) kể: Do cần vốn làm ăn, thông qua một người mai mối, tháng 3.2015 bà vay tiền của bà Nguyễn Thị Bé Tám, ngụ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước 300 triệu đồng, thống nhất lãi suất 5%/tháng.

“Bà Tám bảo phải ký với bà hợp đồng bán nhà, đất để làm tin thì bà mới cho vay. Tôi có thắc mắc thì bà bảo mọi người cho vay bây giờ đều làm vậy, chỉ để phòng ngừa bị người vay giật. Tôi tin nên đồng ý đến công chứng ký hợp đồng này. Không ngờ nay bà dùng hợp đồng này đòi lấy nhà tôi. Bây giờ bà ấy đang kiện tôi ra TAND huyện Cái Nước để buộc tôi giao nhà” - bà Vạn nói.

img

Bà Nguyễn Thị Bé Tám: “Tôi không cho vay mà là mua nhà, đất có công chứng”. Ảnh: Trần Vũ

Theo bà Vạn, bà Tám hứa là cho vay 300 triệu đồng sau khi ký hợp đồng bán nhà, đất. Hai người đến ngân hàng, bà Tám đưa ra 100 triệu đồng để tôi giải chấp, lấy giấy đỏ ra rồi bà giữ luôn. Sau khi ký hợp đồng giả, thay vì đưa thêm 200 triệu đồng thì bà chỉ đưa 50 triệu đồng và nói là đang kẹt tiền, sẽ đưa sau nhưng sau đó không đưa. “Bốn tháng sau, bà đòi tôi trả lãi 7,5 triệu đồng cho số tiền 150 triệu đồng đã vay. Trả lãi vài tháng, tôi đuối nên trễ hạn, bà đòi bán nhà của tôi vì đã mua xong, có giấy tờ đàng hoàng. Tôi ức quá nên tố cáo đến công an” - bà Vạn cho biết.

Nói về vụ này, bà Tám cho biết: “Tôi không hề cho vay mà là mua bán nhà, có giấy tờ rõ ràng, có công chứng. Tôi đã đưa cho bà Vạn 400 triệu đồng, đủ tiền căn nhà đó. Trên giấy ghi 300 triệu đồng là vì né thuế, ai cũng làm vậy”.

Bà Tám đang kiện đòi bà Vạn giao nhà và TAND huyện Cái Nước đang thụ lý giải quyết vụ án này.

Ông Nguyễn Minh Luận, bà Phan Thị Út ở Thới Bình; ông Trần Văn Mười ở Đầm Dơi; bà Bé Sáu ở Đầm Cùng... cũng bảo mình chỉ vay tiền của bà Tám nhưng phải ký vào hợp đồng sang nhượng nhà, đất. Những người này cùng làm đơn tố cáo bà Tám, giăng băng rôn đòi khởi tố bà...

Không thể xử hình sự

Đề nghị các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là với hệ thống ngân hàng chính sách phải tăng cường các hoạt động hỗ trợ dân vay vốn nhằm giảm tình trạng dân tìm đến tín dụng đen.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch tỉnh Cà Mau

Được triệu tập đến cuộc họp khẩn ngày 10.3, lãnh đạo tòa án, VKS, công an tỉnh, thi hành án… đã tập trung làm rõ và phân tích tình hình tín dụng đen tại Cà Mau.

Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, báo cáo rằng thời gian gần đây có nhận được nhiều đơn tố cáo về tín dụng đen. Công an tỉnh đã chỉ đạo rà soát và thấy rằng chưa có dấu hiệu tội phạm nên đề nghị những người tố cáo đưa đến tòa án giải quyết.

VKS, tòa án tỉnh cũng phân tích rõ trên thực tế, giới cho vay mà báo chí gọi là tín dụng đen cho vay ở mức lãi suất dưới mức bị khởi tố hình sự. Tức dưới 10 lần lãi suất ngân hàng cao nhất tại thời điểm. Từ đó, các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đồng nhận định rất khó xử lý hình sự đối với hoạt động cho vay đang bị chỉ trích hiện nay.

Tòa phá các hợp đồng giả cách nhưng không ăn thua

Về việc tạm dừng, tổng rà soát các bản án liên quan đến tín dụng đen, chiều 16.3, ông Huỳnh Minh Hiệu, Cục trưởng Cục Thi hành án tỉnh Cà Mau, thông tin: “Theo chỉ đạo của chủ tịch tỉnh, chúng tôi rà soát và cơ quan thi hành án đang thi hành án 22 vụ có liên quan đến hoạt động cho vay bên ngoài. Tuy nhiên, tất cả đều được tòa án xử người vay trả lại tiền cho người cho vay, không có vụ nào buộc trả nhà, đất”.

Về trường hợp chủ khách sạn Duy L ở TP.Cà Mau mà báo chí thông tin là chỉ vay của giới tín dụng đen hơn 2 tỷ đồng nhưng phải mất khách sạn trị giá gần 30 tỷ đồng, thông tin bước đầu từ TAND tỉnh Cà Mau cho hay: Cuối năm 2015, tòa án tỉnh đã xử phúc thẩm vụ án này, tuyên hủy hợp đồng giả cách, chủ khách sạn trả lại tiền đúng như đã cam kết với người cho vay là hơn 8 tỷ đồng.

Chủ nợ: “Họ lật lọng tôi mới kiện” (!?)

Bà Nguyễn Thị Bé Tám nói: “Tôi không hề cho vay nặng lãi mà chỉ mua bán bất động sản. Các trường hợp mua bán mà báo chí cho là tôi cho vay nặng lãi đều có các hợp đồng mua bán nhà hoặc đất, có công chứng. Khoảng năm năm trước, tôi có cho vay lãi suất dưới 7%/tháng nhưng bị giật nhiều tiền quá, tôi chuyển sang mua bán đất đai, nhà cửa. Tôi luôn nhờ tòa án can thiệp khi có tranh chấp với người vay, người bán nhà. Tôi đang kiện bốn người vì họ lật lọng”.