Dân Việt

Người nghèo có thêm việc làm

17/11/2010 16:13 GMT+7
(Dân Việt) - "Với việc giải ngân vốn cho giải quyết việc làm (GQVL), chúng tôi góp phần giúp các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp tạo thêm việc làm cho ND ở huyện đất chật người đông".

 

Ông Nguyễn Xuân Tần - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh cho biết.

img
Ông Trương Hồng Đức- Giám đốc Ngân hàng CSXH Tây Ninh

Mua máy móc

Gia đình khó khăn, anh Hà Văn Quyết ở ấp Long Binh, xã Long Thành Nam đành nghỉ học tìm kế mưu sinh. May mắn, anh được một người thợ giỏi nghề đan chỉ bảo. Biết có thể "sống khỏe" từ nghề đan, vợ chồng anh đến các chợ trong huyện mua nguyên liệu và mở cơ sở đan lát.

img Trong số 8 chương trình tín dụng chúng tôi triển khai thực hiện, ở Hòa Thành chỉ tập trung vào 6 chương trình, trong đó ưu tiên vốn cho các làng nghề truyền thống, doanh nghiệp nhỏ,cơ sở sản xuất tiểu thủ công… tạo điều kiện cho họ thu hút lao động nông thôn có việc làm. img

Ông Nguyễn Ngọc Hoai, chủ cơ sở bánh tráng Đồng Tâm sắp lứa bánh tráng mới ra lò

Thời kỳ đầu, vợ chồng anh thuê mặt bằng nhỏ ngoài chợ để sản xuất. Sản phẩm làm đến đâu vợ chồng thay nhau chở đến các chợ trong vùng tiêu thụ.

Dần dần, vợ chồng có chút vốn lận lưng để mở rộng mặt bằng và thuê 10 lao động chỉ dạy kỹ thuật đan lát. "Cách đây 4 năm, thấy nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm tre đan lớn, tôi mở rộng nhà xưởng lên gần 1.500m2, đồng thời cùng với một số hộ làm nghề đan lát trong ấp vận động 25 hộ cùng nghề xin thành lập HTX.

Đại hội xã viên nhất trí bầu anh làm chủ nhiệm. Thấy HTX Mây tre đan của anh Quyết giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, Ngân hàng CSXH huyện cho HTX vay 150 triệu đồng để mua máy thay cho sản xuất thủ công. “Năm 2010, thấy HTX làm ăn có lãi, trả vốn-lãi đúng hạn, chúng tôi rót tiếp 200 triệu cho HTX mua ô tô vận tải" - ông Tần cho biết thêm.

Chuyển nghề

Ông Nguyễn Ngọc Hoai, ngụ ấp Trường Lưu, xã Trường Đông nhiều năm liền đạt danh hiệu SXKD giỏi cấp T.Ư. Với 2ha đất canh tác, ông Hoai hết trồng xoài lại chuyển sang trồng nhãn rồi nuôi heo, bò sữa, nhưng không cây, con nào sinh lợi. Năm 2004, sau khi thanh lý đàn bò sữa (lỗ 100 triệu đồng), ông thử thời vận chuyển sang làm bánh tráng.

"Trước nan giải về vốn, tôi đã tìm đến Ngân hàng CSXH và được Ngân hàng nhanh chóng cho vay 60 triệu đồng mua phương tiện sản xuất"- ông Hoai kể. Năm 2006 ông lại được Ngân hàng cho vay tiếp 80 triệu đồng để ông mua nguyên liệu, thu hút thêm lao động để nâng sản lượng sản phẩm bánh tráng.

Dẫn chúng tôi thăm cơ sở làm bánh tráng, ông Hoai cho biết: "Hàng ngày cơ sở luôn có từ 25- 30 lao động làm việc và đều là ND nghèo trong ấp. Thu nhập của mỗi lao động từ 1,5-1,8 triệu đồng/tháng". Nói về vốn Ngân hàng CSXH hỗ trợ, ông Hoai khẳng định: "Như bị hỏa hoạn được chữa cháy cấp kỳ, không có vốn Ngân hàng CSXH thì gia đình tôi phải vay nóng lãi suất chợ đen mới chuyển đổi sang làm bánh tráng được".