Từ thị trấn Gò Quao đi phà là sang ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Thắng - nơi có đồng lúa chịu thiệt hại nặng nề do xâm nhập mặn.
Bà Đặng Thị Cúc (61 tuổi) đang hái rau sau nhà để chuẩn bị bữa cơm chiều tâm sự, 5 công lúa vụ đông xuân của gia đình đang trổ thì bị mặn vào lép gần hết. Vét được 10 bao thóc nhưng lỗ tiền thuê máy cắt, còn tiền phân bón, thuốc trừ sâu thì chưa trả được đồng nào.
Gia đình bà quyết định đốt lúa, cải tạo đất, đợi khi mưa xuống sẽ xạ lúa lại.
Bé Lê Thị Cẩm Loan - cháu nội bà Đặng Thị Cúc đứng giữa đồng ruộng khô cháy.
“Tổ tiên mấy đời làm ruộng nên cỡ nào tôi cũng không bỏ đất trống. Mấy bữa nay, ngày nào tôi cũng coi mấy chương trình khuyến nông trên tivi để theo dõi tình hình thời tiết, lịch thời vụ. Rút kinh nghiệm đợt này mình không tự ý gieo sạ như trước nữa để tránh mất mùa”, bà Cúc đầy hy vọng.
Bà Đặng Thị Cúc làm 5 công lúa nhưng thu hoạch chưa được 10 bao.
Trong căn nhà vắng tanh của chị Phạm Thị Út Nhờ cách đó không xa, bà Trần Thị Tro 85 tuổi thấy người lạ ghé thăm nói vọng ra ngoài: “Con Út nó không có đi làm đâu, đừng có rủ nó”.
Chị Út định lên Bình Dương làm thuê để kiếm tiền trả nợ vật tư nông nghiệp. Hơn 50 công lúa, trước Tết thấy đất khô nứt nẻ nên chị đã bơm nước vào ruộng, nhưng không ngờ nước đã bị nhiễm mặn khiến lúa bị xèo, thu hoạch toàn hạt lép, bán không ai mua.
“Đây là vụ chính trong năm nên tôi đã đầu tư tiền của vào, đến khi sắp thu hoạch thì thiệt hại gần như hoàn toàn”, chị cho biết.
Đồng cảnh ngộ, chị Nhạn Thị Đà, một người cùng thôn thở dài vì mất toi 10 công lúa, thương lái chê lúa xấu, không mua. Cậu con đang học ở Sài Gòn gọi điện về xin tiền đóng học phí mà nhà hết tiền.
Người dân tỉnh Kiên Giang đã cải tạo đất để chờ mưa xuống tái sản xuất.
Dù vậy, người phụ nữ này vẫn kiên quyết không để ruộng bỏ trống, tranh thủ cải tạo đất.
Trong một quán cơm ở huyện Hòn Đất, bà Hai Tâm ngồi thụp xuống nền xi măng chứng kiến đồng lúa bạt ngàn đã chết vì khô hạn, đất ruộng nứt toác.
“Lúa chết hết rồi. Bao nhiêu công sức, tiền của đổ vào mảnh ruộng này, bây giờ trắng tay”, bà nói.
Không trực tiếp sản xuất, bà Huỳnh Thị Thảo cho thuê 70 công đất để hàng xóm làm lúa đông xuân. Mỗi công thu về 15 giạ lúa khô/năm, mỗi năm có hơn 1.000 giạ. Nhưng năm nay do hạn mặn nên người thuê đất đều mất trắng, không trả cho bà giạ nào.
Bà Thảo sẵn sàng cho những người thuê đất mình mượn vốn để sản xuất.
“Mọi năm giờ này là nhà đầy lúa rồi đó, còn năm nay chưa có giạ nào. Mấy người thuê đất làm lúa năm nay lỗ quá, nhìn tội lắm. Có người nợ tiền giống, vật tư hơn 20 triệu đồng, giờ thì mất trắng, làm sao mình đành lòng đòi lúa. Mình khó 1, họ khó 10 đó”, bà Thảo than vãn.
Không đùm bọc nhau thì chết
Kiên Giang đã có hơn 35.000 ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn. Chi cục Thủy lợi dự báo độ mặn tại các kênh có xu hướng gia tăng đến hết tháng 5 này.
Ông Lâm Nghiềm (60 tuổi, ngụ huyện Hòn Đất) buồn bã cho biết ông sống ở đây từ nhỏ nhưng chưa thấy năm nào mặn đến sớm và khốc liệt như năm nay.
Ông Lâm Nghiềm: Chỉ có trời mới hiểu nỗi lòng người dân lúc này.
Chỉ tay về 2 công ruộng của mình, ông than đã bỏ ra gần 4 triệu tiền giống, vật tư nhưng giờ thu lại chưa được 1 triệu.
“Lúa ngoài đồng xác xơ, thưa thớt. Mỗi công chỉ thu hoạch được 4-5 giạ lúa, trong khi những năm trước gần 30 giạ. Chỉ có ông trời mới hiểu được nỗi lòng người dân chúng tôi” - lão nông nghẹn ngào.
Đồng lúa bị xèo, cháy khô ở Kiên Giang.
Không chỉ bị thiệt hại lúa, người dân ở Kiên Giang còn phải đổi nước để uống, sinh hoạt. Giá mỗi lu 700 lít có giá từ 35.000-40.000 đồng.
“Mỗi tháng, 1 người dùng ít nhất từ 3-4 lu nước. Có khi hết nước mà ghe không đổi kịp thì chạy sang hàng xóm mượn về xài đỡ. Trời hạn hán như thế này mà mình không đùm bọc nhau sống thì chết hết”, chị Đặng Thị Mén tâm sự.
Chị Đặng Thị Mén tâm sự: Trời hạn hán thế này mà mình không đùm bọc nhau sống thì chết hết.
Đến nay, 4 huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận đang khẩn trương rà soát, lên danh sách nông dân bị thiệt hại, diện tích và mức độ thiệt hại lúa mùa và đông xuân.
UBND tỉnh tạm ứng 150 tỷ đồng hỗ trợ thiệt hại cho dân.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang chỉ đạo, huyện nào làm xong sẽ hỗ trợ ngay cho nông dân huyện đó, để nông dân kịp có vốn sản xuất.