Một điều dễ dàng nhận thấy là có những “tiêu cực” rõ mười mươi, ai cũng biết nhưng cơ quan quản lý lại làm ngơ, hoặc đã lao vào xử lý nhưng làm không đến nơi đến chốn ví dụ như chuyện “1 ông chủ, 2 đội bóng”.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2009 khi Hà Nội T&T có mặt trên bản đồ V.League và hình thành một cặp “anh em” được truyền thông gọi là “những đứa con” của ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB. Lập tức mùa giải đó, SHB.Đà Nẵng lên ngôi vô địch. Và từ 2009 đến 2013, Hà Nội T&T (vô địch 2010, 2013), SHB.Đà Nẵng (vô địch 2012) thay nhau lên ngôi. Chỉ một lần duy nhất có đội bóng khác chen chân vào được là SLNA của HLV Nguyễn Hữu Thắng ở V.League 2011.
Chủ tịch CLB Hà Nội Nguyễn Giang Đông đứng sau nhìn "người yêu bóng đá" là bầu Hiển tuyên bố thưởng cho đội bóng sau trận thắng SHB.Đà Nẵng. Ảnh: I.T.
Sự bức xúc lên tới đỉnh điểm khi ở vòng cuối V.League 2012, Hà Nội T&T “tử thủ” cầm hòa Sài Gòn.XT để qua đó giúp SHB.Đà Nẵng vô địch. Ngày đó, truyền thông đồng loạt vào cuộc lên án gay gắt từ cuối tháng 8.2012. Vậy mà bằng lý do này hay lý do khác, mãi 2 tháng sau, Thanh tra Bộ VHTTDL mới vào cuộc điều tra và đầu tháng 12 năm đó tuyên bố xanh rờn theo kiểu Bầu Hiển chỉ là nhà tài trợ của 2 đội bóng và không hề vi phạm Quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Để rũ bỏ mọi điều tiếng, bầu Hiển còn tuyên bố thoái vốn hoàn toàn khỏi Công ty cổ phần thể thao SHB.Đà Nẵng và T&T (trước đó, SHB có 11% cổ phần trong Công ty cổ phần thể thao SHB Đà Nẵng, còn Tập đoàn T&T có 15% vốn trong Công ty cổ phần thể thao T&T).
Đến nay, cũng đã hơn 3 năm trôi qua kể từ khi vụ “1 ông chủ 2 đội bóng” được truyền thông và các cơ quan chức năng cùng vào cuộc khá rầm rộ. Mọi thứ đã bị chìm vào quên lãng, các bên “ngủ quên” trong một thời gian dài cho đến khi tân binh V.League Hà Nội (đội đã thua đội bóng non trẻ HAGL 0-5 ở trận ra quân V.League 2016) bất ngờ thắng đội khách SHB.Đà Nẵng (vốn toàn thắng sau 3 vòng đầu) 3-0 ở vòng 4 V.League 2016. Những người xem trực tiếp trận đấu này đều dễ dàng cảm nhận được các cầu thủ đội bóng sông Hàn bỗng dưng chơi dưới sức đến lạ để đối thủ thoải mái “làm mưa làm gió”. Phải chăng SHB.Đà Nẵng muốn “tặng anh em” một món quá trước khi “chuyển hộ khẩu” vào TP.HCM?
Nghi vấn sẽ mãi là nghi vấn khi VFF, VPF, Ban tổ chức giải thì vẫn “mặc kệ”. Cái sự “mặc kệ” ấy khiến người viết nhớ vô cùng những lời phát biểu hùng hồn của ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF trước thềm V.League 2016: “Các đội bóng, cầu thủ cần hiểu rõ tiền mua vé vào sân là mồ hôi, nước mắt của cổ động viên và chúng ta không được phản bội họ. Ngay như việc thi đấu không hết khả năng trên sân cũng là tiêu cực rồi, chứ đừng nói chuyện bán độ, dàn xếp tỷ số. Tôi đã bàn với Trưởng ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường về chuyện này. Mùa giải 2016, những trường hợp thi đấu thiếu động lực khi đã trụ hạng hay đá giữ chân để đi tìm đội bóng mới… cũng sẽ bị xem xét, phạt “nguội”. Có thể mùa bóng đã kết thúc nhưng khi xem lại, có thể xử “treo giò” 5-10 trận ở mùa sau”!!!
Và khi những lời nói vẫn chỉ dừng ở những… lời nói, thì hỏi làm sao người hâm mộ có đủ niềm tin vào sự chuyên nghiệp của V.League dưới sự điều hành của VPF, mà cao hơn là VFF. Và những thay đổi như mua bảo hiểm cho các cầu thủ, trọng tài, giám sát… rồi là hợp tác với đối tác chống tiêu cực từ xa hàng đầu thế giới như Sportradar hóa ra vẫn lại là câu chuyện “bình mới, rượu cũ” hay sao?
Sự thật là từ việc “1 ông chủ 2 đội bóng”, đến lúc này, quy mô của bầu Hiển còn mở rộng hơn khi ai cũng cảm nhận thấy ông là người có tiếng nói uy quyền, ảnh hưởng lớn nhất ở 4 đội bóng tại V.League là Hà Nội T&T, SHB.Đà Nẵng, QNK.Quảng Nam và Hà Nội. Sự “lách luật” đó vẫn diễn ra một cách vô tư, hồn nhiên. Và sắp tới, rất có thể lại thêm một cú “lách luật” thành công nữa của bầu Hiển khi “chuyển hộ khẩu” (thực chất là chuyển tên và không loại trừ khả năng sẽ “lấn” tiếp đến việc chuyển nhà tài trợ, chủ sở hữu) thành công cho CLB Hà Nội vào TP.HCM. Đến đây thì phải hỏi những người làm luật và thực thi luật ở VFF và cao hơn nữa là Tổng cục TDTT, Bộ VHTTDL đang làm gì vậy? Ở đây, khó trách các ông bầu “lách luật” bởi đó là việc của họ. Cứ cái gì mang tới lợi cho họ thì họ làm thôi. Họ cũng phải bỏ “chất xám” ra để “lách”, còn “chất xám” của cơ quan quản lý thì ở đâu, hay “chất xám” đó đã bị “mờ” đi bởi điều gì khác?
Để trả lời câu hỏi này thì chỉ có những người trong cuộc là rõ nhất. Người viết chỉ chợt nhớ tới câu chuyện cùng ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT cách đây hơn 1 tuần nhận định việc “búp bê” Sharapova bất ngờ “dính doping”. Lúc đó, ông Minh bảo: “Việc của cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) là phải nghiên cứu, tìm ra những chất làm tăng sức chịu đựng của VĐV, chống những “thành tích ảo”. Còn việc của các đội ngũ y tế cao cấp của các VĐV đỉnh cao là phải hiểu rõ những chất bị cấm, qua đó tìm ra những chất có thể giúp VĐV nâng cao thành tích mà chất đó không nằm trong danh mục cấm của WADA. “Cuộc chiến” này không bao giờ dứt cả”.
Và nếu như WADA cũng hoạt động như… VFF thì không biết thể thao thế giới còn có nhiều sự bất công đến đâu nữa? Và ai còn tin vào tinh thần trung thực, cao thượng – vẻ đẹp mang theo đầy sức hút của thể thao (?!).